Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

TRƯỜNG NGHỀ TUYỂN SINH NHƯ THẾ NÀO?

Bạn có dự định sẽ học nghề và cần các thông tin về tuyển sinh, học nghề?

Bạn vẫn chưa rõ hoặc không biết trường nghề tuyển sinh như thế nào?

Bạn nghĩ rằng, tuyển sinh để học nghề chắc cũng như tuyển sinh để vào đại học?
...
Và, trong bài này, bạn sẽ có thông tin cụ thể.

1. Tốt nghiệp THCS/THPT: Nếu bạn tốt nghiệp THCS, bạn đã có thể học trung cấp ở 1 trường nghề. Như vậy, chỉ cần bạn có giấy chứng nhận hoàn thành THCS hoặc có bằng cấp 2, thì bạn đã có thể học nghề (bậc trung cấp). Nếu bạn tốt nghiệp THPT, bạn đã có thể học cao đẳng ở 1 trường cao đẳng. Như vậy, chỉ cần bạn có giấy chứng nhận hoàn thành THPT hoặc có bằng cấp 3, thì bạn đã có thể học nghề (bậc cao đẳng). Hầu hết các trường nghề hiện nay, chỉ yêu cầu bạn tốt nghiệp THCS/THPT và như vậy là đủ điều kiện để bạn học trung cấp hoặc cao đẳng.

2. Xét học bạ THCS/THPT: Bên cạnh yêu cầu phải tốt nghiệp THCS/THPT để học Trung cấp/Cao đẳng, thì nhiều trường cũng có yêu cầu bạn cung cấp học bạ để minh chứng về điểm số trong quá trình bạn đã học ở cấp 2, hoặc cấp 3. Các trường có thể căn cứ vào điểm trung bình 4 năm học cấp 2 hoặc 3 năm học cấp 3 của bạn. Chắc chắn là bạn đều đạt từ 5,0 trở lên rồi. Và, bạn cũng không phải lo lắng nhiều, khi các trường cũng chỉ yêu cầu bạn có điểm trung bình từ 5,0 là học được Trung cấp/Cao đẳng.

3. Xét điểm thi THPT: Một số trường (rất ít), có yêu cầu sẽ xét điểm thi (kết quả thi) THPT của bạn để vào học Cao đẳng. Đây là những trường có số bạn trẻ đăng ký học đông, nhưng chỉ tiêu có giới hạn. Việc này cũng không phải là áp lực hay khó khăn gì cho bạn. Bởi vì, có rất nhiều trường ở các tỉnh. Và, bạn có thể chọn học 1 trường gần nhà, nếu như chưa thể cạnh tranh vào các trường "hot" ở những thành phố lớn.

4. Thi tuyển năng khiếu: Với các nghề đặc thù, như âm nhạc, hội họa,...ngoài việc bạn phải có bằng THPT/THCS, thì có thể 1 số trường sẽ yêu cầu bạn trình diễn năng khiếu. Đây cũng là hợp lý và cũng là để xác định được mức độ phù hợp của bạn với nghề mà bạn muốn chọn học.

5. Điểm môn ngoại ngữ: Với các nghề quốc tế, trong thông tin tuyển sinh, có thể sẽ yêu cầu về điểm ngoại ngữ trong quá trình bạn học ở bậc phổ thông, hoặc điểm thi ngoại ngữ của bạn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu trúng tuyển, sau này, bạn sẽ học thêm ngoại ngữ rất nhiều.

6. Phỏng vấn: Vài trường, ngoài các điều kiện bắt buộc như yêu cầu về bằng cấp, bạn sẽ được phỏng vấn sau khi đăng ký dự tuyển. Việc phỏng vấn, sơ tuyển ban đầu cũng để xem xét bạn có phù hợp với yêu cầu của nghề dự tuyển hay không.

Dự tuyển và vào học nghề - không khó. Nếu bạn cố gắng trong học tập, bạn sẽ có việc làm tốt trong tương lai.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

BẰNG ĐẠI HỌC CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

Sau THPT, bạn có rất nhiều lựa chọn trong việc học tập. Đó có thể là học trung cấp, học cao đẳng, chứ không chỉ phải "vào Đại học bằng mọi giá". Bên cạnh đó, nếu bạn chưa có điều kiện, thời gian để học ngay bậc Đại học, thì bạn hoàn toàn có thể "đi từng bước", học liên thông, sau thời gian, bạn cũng có được bằng Đại học. Ngoài ra, nhiều bạn cho rằng, bằng Đại học rất quan trọng, nên phải có. Nhưng, thật sự, nó chỉ quan trọng khi đi cùng với năng lực thật sự của bạn.

Bạn cùng tìm hiểu và từ đây, có thể trả lời câu hỏi ở trên. Và, có thể quan trọng / rất quan trọng với bạn, nhưng với người khác thì chưa hẳn là như vậy.

1. Nhiều công việc hiện nay, không cần người có bằng Đại học: Thật sự là như vậy và được thể hiện qua thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần 1 kỹ sư (có bằng Đại học), nhưng cần đến cả trăm kỹ thuật viên / thợ lành nghề (có bằng trung cấp, cao đẳng). Ở các nước công nghiệp, số lượng kỹ sư, cử nhân, không thể nhiều bằng số lượng người lao động có kỹ năng nghề tốt.

2. Học nghề phù hợp để làm: Bạn cần xác định, không phải chỉ có vào Đại học thì mới thành công. Để thành công, trước hết, bạn chọn được nghề phù hợp với đam mê, sở thích và chọn được trường phù hợp. Trường đó, có thể là trường trung cấp, trường cao đẳng.

3. Sở thích, đam mê, lý tưởng: Bạn đã từng tìm hiểu, suy ngẫm và biết được, đâu là sở thích, đam mê, lý tưởng của bạn không? Nếu đã xác định được thì quá tốt, và bạn tiếp tục xác định trường / nghề phù hợp để học. Nếu chưa, bạn nên lắng nghe, tiếp tục tìm hiểu. Khi học, bạn có đam mê và gắn với sở thích, thì bạn sẽ học tốt. Và khi làm, nếu thấy được những đóng góp của bạn có ích cho doanh nghiệp, thì đó là thành công, hạnh phúc. Việc này, không liên quan đến việc bạn có bằng Đại học hay không.

4. Doanh nghiệp cần người làm việc: mục tiêu của hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay là lợi nhuận. Và, để có lợi nhuận thì cần có sản phẩm / dịch vụ tốt, cung cấp cho nhiều khách hàng. Nhưng, ai sẽ làm ra sản phẩm / dịch vụ tốt? Họ cần đến bạn để thực hiện việc này. Và, bạn làm được thì bạn có thu nhập tốt. Việc này, cũng không hẳn, bạn phải có bằng Đại học.

5. Tạo giá trị, đóng góp, hạnh phúc: Như đã viết ở trên, nếu bạn tạo ra được sản phẩm tốt, bạn có đóng góp cho doanh nghiệp, thì bạn sẽ thấy hạnh phúc. Để tạo ra sản phẩm, cần đến sự chung tay của nhiều người, trong đó có bạn. Cho nên, nếu bạn chưa có bằng Đại học nhưng lại mang đến nhiều thành công cho doanh nghiệp, thì bạn xứng đáng được tuyên dương, khen thưởng.

6. Học suốt đời, cơ hội cho mọi người trong học tập: Hiện nay, bạn có thể học cả đời, nếu muốn. Bạn có thể học online và rồi bạn có bằng Đại học. Bạn còn trẻ và bạn có rất nhiều cơ hội. Cho nên, nếu bạn muốn, có quyết tâm, thì hôm nay, ngày mai, bạn chưa có bằng Đại học, nhưng rồi bạn sẽ có, bằng việc học tiếp, học nữa, học mãi.

Từ những phân tích trên, bạn đã có thể tự trả lời về vai trò của bằng Đại học.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

HỌC NGHỀ QUỐC TẾ, TRƯỜNG QUỐC TẾ

Hiện nay, nhiều ngành nghề và nhiều trường có thêm chữ "Quốc tế". Bạn hoàn toàn có thể chọn và học. Tuy nhiên, để đi đến quyết định cuối cùng, bạn cần có những việc phải quan tâm, cân nhắc, tìm hiểu, hoàn toàn không nên "chọn đại" hay chọn vì chữ "quốc tế".

1. Học phí: Đi học và học, bạn phải nộp học phí. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm. Vậy thì, bạn cần quan tâm đến việc này. Bạn nên tìm hiểu mức học phí của nghề muốn học, trường muốn học. Học phí của các nghề, các trường có chữ "quốc tế" thường cao hơn các nghề, các trường không có chữ "quốc tế". Bạn cần quan tâm đến khả năng tài chính của gia đình bạn khi chọn học ở đâu, học trường công hay tư, học nghề / trường có chữ "quốc tế" hay không. Học phí cũng là 1 gánh nặng cho bạn và gia đình bạn. 

2. Ngoại ngữ: Các nghề quốc tế, trường quốc tế,...đều có những yêu cầu cao về ngoại ngữ. Vậy, bạn nghĩ rằng, bạn có thể đáp ứng được không? Với nhiều bạn, ngoại ngữ cũng là 1 rào cản khó có thể vượt qua, dù các bạn ấy có năng lực nghề nghiệp tốt, năng lực học tập tốt. Ngoại ngữ thì rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bạn cần có chút năng khiếu, đam mê, sở thích với việc học ngoại ngữ và xác định học tập với 1 tâm thế tích cực. Nếu không, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó đạt mục tiêu trong học tập.

3. Tin học: Hiện nay, bạn không chỉ nên biết và có thể sử dụng được tin học văn phòng, mà còn là tin học chuyên ngành, tin học thuộc nghề bạn đang theo học. Với nghề quốc tế và trường quốc tế, yêu cầu về kỹ năng CNTT cũng sẽ cao hơn so với các nghề khác, trường khác. Bạn cần lưu ý điều này.

4. Hướng ngoại: Môi trường quốc tế luôn cần những người trẻ năng động, tích cực, hướng ngoại. Vậy, bạn có nhận thấy rằng, bạn có thể đáp ứng những yêu cầu này không? Chỉ có bạn mới hiểu bạn rõ nhất. Chỉ có bạn mới biết rằng, bạn như thế nào. Môi trường quốc tế không chỉ có học, mà còn là giao lưu, hợp tác, kết nối, chia sẻ.

5. Văn hóa: Trong môi trường quốc tế, văn hóa ở đây là văn hóa toàn cầu, văn hóa rộng mở, kết nối, đa dạng. Vì vậy, với bạn, bạn có tự nhận thấy rằng, bạn hoàn toàn có thể muốn học hỏi, muốn tìm hiểu, muốn nghiên cứu, muốn tham gia cùng với nhiều thầy cô, bạn bè hay không?

6. Kiến thức "mềm": Khi học những nghề quốc tế, tại trường quốc tế, kiến thức "mềm" luôn luôn được chú trọng. Bạn không chỉ học chuyên môn về nghề nghiệp mà còn được bồi dưỡng để có được những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề,...

Học nghề quốc tế, trường quốc tế, bạn sẽ có bằng cấp, năng lực quốc tế. Nhưng, mọi việc đều phải cần cân nhắc thật kỹ.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

CHỌN NGHỀ - NHỮNG ĐIỀU BẠN PHẢI QUAN TÂM

Chọn nghề để học là 1 việc khó. Chọn nghề phù hợp để học, hoàn thành và làm việc trong thời gian dài lại càng khó hơn nhiều. Vì vậy, khi chọn nghề để học, bạn cần phải quan tâm, cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau.

1. Chương trình đào tạo: Hiện nay, nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã công khai chương trình đào tạo của các ngành, nghề lên Website của nhà trường. Đây là kênh thông tin chính thức và bạn có thể đọc, tìm hiểu để biết nghề A học những gì, ngành B sẽ như thế nào. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tương tác với các trường để nhận được chương trình đào tạo hiện hành. Bạn cần tìm hiểu, so sánh, đối chiếu với chương trình đào tạo các trường khác (cùng ngành, nghề) và quyết định nên học trường nào có chương trình đào tạo phù hợp với bạn.

2. Chuẩn đầu ra: Không chỉ cung cấp chương trình đào tạo của các ngành, nghề, các trường hiện nay cũng đã công khai chuẩn đầu ra. Cụm từ "chuẩn đầu ra", bạn nghe có vẻ còn lạ. Nhưng, đây chính là tuyên bố, công bố công khai và bạn sẽ biết được bạn sẽ có thể làm được những gì, giải quyết các công việc, thực hiện các nhiệm vụ gì sau tốt nghiệp. Ngoài ra, trong chuẩn đầu ra đều công khai về yêu cầu ngoại ngữ, tin học. Cùng nghề, nhưng mỗi trường sẽ có chuẩn đầu ra cho nghề khác nhau. Bạn cần tìm hiểu trước khi quyết định nên học trường nào.

3. Nhu cầu nhân lực: Bạn học để rồi đi làm sau này. Vì vậy, điều bạn cần quan tâm nữa đó chính là nhu cầu nhân lực của ngành, nghề mà bạn dự định học. Trong tương lai gần, nhu cầu tuyển dụng, dự báo về triển vọng của ngành, nghề sẽ như thế nào. Bạn đừng học nghề "hot" nếu như bạn không biết gì về nghề này và cũng không phù hợp.

4. Đam mê, sở thích, thích nghi: Chọn nghề, bạn nên gắn với đam mê, sở thích của bạn. Chỉ có vậy, bạn sẽ thấy hào hứng, có động cơ để học tập, cũng như tích cực với công việc này. Học để làm chứ không phải học cho xong, nên khi bạn có đam mê, tập trung, trách nhiệm,...thì bạn sẽ thành công trong học tập và trong công việc. Không những thế, bạn phải thích nghi với nghề nghiệp và công việc sau này.

5. Hành trình và mục tiêu: Học tập là 1 quá trình, 1 hành trình, chứ không phải "ngày 1, ngày 2" và hoàn tất. Cho nên, bạn cần xác định tâm thế như vậy. Nhiều bạn trẻ luôn muốn học cho xong, cho nhanh. Nhưng, điều đó là không thể. Bạn thực hiện từng bước, với mục tiêu đề ra, thì bạn sẽ thành công.

6. Phù hợp với người học: Chọn được nghề, được trường để học và phù hợp với mỗi người thì xem như đã thành công bước đầu. Bạn cũng nên quan tâm, tìm hiểu, lắng nghe để xác định nghề phù hợp cho bạn.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

NÊN CHỌN TRƯỜNG CÔNG LẬP HAY TƯ THỤC?

Hiện nay, ở Việt Nam, bạn hoàn toàn có thể học trường công lập (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp). Bạn cũng hoàn toàn có thể chọn trường tư thục (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp) để học. Nhiều bạn xác định sẽ tiếp tục học sau THPT nhưng phân vân vì không biết nên chọn loại hình trường nào để học. Một số bạn khác thì thiếu thông tin hoặc không tìm hiểu kỹ nên chỉ "chọn đại". Như vậy, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập và có thể không phù hợp.

Chính bạn sẽ trả lời cho câu hỏi nên chọn và học ở trường công hay trường tư. Nhưng, để trả lời được câu hỏi đó, bạn cần tìm hiểu và lắng nghe, để lựa chọn cuối cùng phù hợp với chính bạn.

1. Không phân biệt loại hình trường: cho dù là trường công lập hay trường tư thục thì đều đã được cấp phép thành lập, tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng. Hoàn toàn không có sự phân biệt trong tuyển dụng, bổ nhiệm,...giữa người tốt nghiệp trường công với người tốt nghiệp trường tư. Những phân biệt khi được nêu ra bằng văn bản, yêu cầu là hoàn toàn không thể chấp nhận được. 

2. Không phân biệt bằng cấp: Hiện nay, bằng Đại học, Cao đẳng không ghi loại hình trường (công lập, tư thục) vào bằng. Đó là quy định. Bằng cấp là minh chứng, xác nhận việc người học đã học trường nào, trình độ gì, ngành nghề gì. 

3. Giá trị pháp lý như nhau: Vì được cơ quan có thẩm quyền ở VN cấp phép hoạt động và cấp bằng, cho nên, tính pháp lý của loại hình trường, bằng cấp là như nhau. Trường công lập thì cơ quan chủ quản là nhà nước. Trường tư thục, các cổ đông, có tư cách pháp nhân đầy đủ góp vốn để thành lập, xây dựng và phát triển.

4. "Điểm cộng"; "Điểm trừ": khi quan tâm đến trường mà bạn muốn học, bạn cần tìm hiểu để biết đâu là điểm cộng, đâu là điểm trừ của nhà trường. Với trường công lập, điểm cộng là đã thành lập từ lâu, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm,...Với trường tư thục, điểm cộng là môi trường năng động, được đầu tư đồng bộ,...

5. Phù hợp với người học: chọn trường nào để học, ngành gì để học, thì bạn rất cần phải quan tâm đến sự phù hợp. Đó là phù hợp với năng lực của bạn, phù hợp với khả năng tài chính của gia đình bạn, phù hợp với sở thích, đam mê. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định. Cựu sinh viên, những người đã biết về trường, sẽ cho bạn thông tin cụ thể.

6. Doanh nghiệp cần người làm được: ngày nay, doanh nghiệp hầu như không quan tâm việc bạn đã tốt nghiệp từ trường nào, bạn đã học những gì, điểm số / kết quả ra sao. Doanh nghiệp cần người có thể giải quyết được các công việc cho doanh nghiệp. Vậy, bạn học trường nào không quan trọng bằng việc bạn có thể giải quyết các công việc sau này. Chỉ có vậy và được như vậy, bạn sẽ không thất nghiệp.

Bạn cần cân nhắc và chúc bạn chọn được trường phù hợp để học.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

CHỌN NGHỀ HAY CHỌN TRƯỜNG?

Hiện nay, nhiều bạn trẻ có băn khoăn, lo lắng về việc chọn nghề, chọn trường để học sau khi xong THPT. Đây cũng là điều dễ hiểu vì việc này hoàn toàn không đơn giản. Trước những con đường mới, hướng đi mới, việc chọn học nghề gì, học trường nào để phù hợp với bản thân và thành công trong tương lai gần là điều không đơn giản.

Để trả lời câu hỏi nên chọn nghề trước hay chọn trường trước, hay như thế nào, các bạn cần lưu ý:

1. Không nên đóng khung: hiện nay, có rất nhiều nghề, nhiều bậc học, nhiều trường để học. Vì vậy, bạn không nên đóng khung, luôn khẳng định phải học nghề A, chỉ học nghề B, bằng mọi giá phải vào trường C. Bạn có thể học trường ở tỉnh, và sau tốt nghiệp thì làm ở các thành phố lớn. Bạn có thể học nghề gần với nghề bạn mong muốn và học thêm các chứng chỉ để bổ trợ cho công việc sau này.

2. Quan tâm ngành, nghề: Bạn cần tìm hiểu về ngành, nghề mà bạn muốn học. Bạn cũng cần quan tâm, trải nghiệm trước khi đi đến quyết định nên học ngành gì, học nghề nào. Nếu thiếu thông tin và chỉ "chọn đại" để học thì thật khó để thành công trong tương lai.

3. Nghề "hot"; Trường "hot": qua nhiều nguồn thông tin, bạn và nhiều người cho rằng, nghề A đang rất "hot", trường B cũng đang rất "hot". Bạn cần lưu ý rằng, "hot" với người khác, bạn khác, chứ chưa chắc đã "hot" với bạn. Ngoài ra, "hot" nhưng cần phải phù hợp. "Hot" cũng sẽ có cạnh tranh rất cao. Bạn có thể đáp ứng không?

4. Một ngành, làm nhiều nghề: Khi học 1 ngành, bạn có thể làm nhiều nghề sau tốt nghiệp. Cho nên, nếu bạn không vào ngành "hot" thì chọn ngành chưa "hot" và sau đó có thể làm việc ở các nghề "hot". Quan trọng nhất là năng lực của chính bạn. Khi bạn có năng lực tốt thì bạn không lo thất nghiệp.

5. Chú ý đến sự phù hợp: Ngành, nghề, trường bạn học cần phù hợp với năng lực của bạn, điều kiện, hoàn cảnh của gia đình bạn. Chỉ có sự phù hợp mới có thể mang đến cho các bạn sự yêu thích, đam mê, trách nhiệm, vui vẻ,...trong học tập và làm việc về sau.

6. Chọn nghề - Chọn trường: Sau khi chọn nghề xong, bạn có thể tìm hiểu các trường có đào tạo nghề này. Bạn có thể học ở trường gần nhà và phù hợp với bạn. Chỉ cần bạn cố gắng, bạn sẽ thành công. 

Lưu ý: Bạn nên chọn nghề trước khi chọn trường.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

BẠN PHÙ HỢP NGHỀ GÌ?

Khi bạn chọn lựa bất kỳ 1 sản phẩm, 1 dịch vụ hay 1 điều gì đó, bên cạnh nhiều yếu tố khác nhau thì sự phù hợp là cần thiết. Bạn đang còn là học sinh hoặc đang chuẩn bị xong THPT, thì việc chọn ngành, nghề để học rất quan trọng.

Vậy, bạn cần lưu ý những gì để chọn được nghề phù hợp với chính bạn?

1. Dùng các công cụ để hỗ trợ thực hiện những bài trắc nghiệm. Hiện nay, có rất nhiều bài trắc nghiệm về tính cách, về nghề nghiệp. Khi thực hiện những bài trắc nghiệm này, bạn có thể phần nào có thêm thông tin và biết được bạn phù hợp với nghề nghiệp trong lĩnh vực nào. Với Internet và Google, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm và thực hiện được việc này.

2. Xác định năng lực học tập. Năng lực học tập của bạn như thế nào? Chính bạn là người hiểu rõ nhất. Đó không hẳn chỉ là điểm số. Nhiều nghề cần đến khả năng tư duy, tố chất về nghệ thuật. Vậy, bạn có điều này không? Việc học sau THPT cũng không chỉ là học thuộc lòng mà còn là học để áp dụng, vận dụng vào thực tế.

3. Tìm hiểu nhu cầu xã hội. Bạn cần quan tâm để nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp, tập đoàn. Đâu là những nghề sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần? Nhóm nghề nào cần rất nhiều nhân lực trong thời gian đến? Khi đã xác định được việc này, bạn lại tiếp tục tìm hiểu xem có phù hợp với bạn hay không, trước khi chọn học.

4. Tự khám phá, trải nghiệm thực tế. Để chọn nghề, bạn cần nhìn lại, bạn có thích tìm hiểu, khám phá những công việc liên quan đến nghề hay không. Nhiều trường Đại học, Cao đẳng luôn mở cửa để chào đón các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Bạn nên tham gia để có thông tin, hình ảnh,…cụ thể, rõ ràng.

5. Thu thập thông tin từ Website, Facebook. Hầu hết các trường đều có thông tin cập nhật, hình ảnh rõ đẹp, Video Clip ngắn về nghề đào tạo. Và, đây chính là những kênh thông tin mà bạn không nên bỏ qua nếu muốn tìm hiểu về nghề để học và làm việc sau này.

6. Lắng nghe từ người đi trước. Ba mẹ, thầy cô, anh chị đã học nghề này,…chính là những người mà bạn không chỉ nghe, mà còn lắng nghe để có thêm thông tin. Người đi trước, với góc nhìn đa chiều và những trải nghiệm thực tế đã có, sẽ hỗ trợ bạn tiếp bước vững chắc trên con đường học tập.

7. Quan đến đến hoàn cảnh, tài chính. Khi bạn học tiếp, bạn cần quan tâm đến hoàn cảnh của bạn, của gia đình. Luôn có những khó khăn nhất định và bạn cần cân nhắc. Nếu như bạn cứ khăng khăng phải học 1 trường mà học phí quá cao, thì cũng sẽ gây khó khăn cho chính gia đình bạn. Học ở các thành phố lớn, chi phí cũng rất cao.

8. Hiểu bản thân. Chính bạn là người hiểu bạn rõ nhất. Bạn hiểu bạn, hiểu nghề thì lựa chọn của bạn sẽ đúng. Chọn nghề không nên nghe theo bạn bè vì sẽ không phù hợp.

9. Lựa chọn bậc học. Có rất nhiều bậc học và bạn cũng có thể học trung cấp, cao đẳng. Sau đó, bạn liên thông lên Đại học nếu thấy cần thiết. Không nên ép chính bạn phải vào Đại học bằng mọi giá. Chọn đại và “Học đại” sẽ khó mà thành công.

10. Quyết định. Sau khi đã có thông tin, bạn chính là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm với quyết định ấy.

Tất cả đều liên quan đến sự phù hợp. Nếu phù hợp, bạn sẽ có niềm vui, học tốt, thành công đến với bạn trong tương lai.


Bạn xem Video Clip tại đây.