Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

PHỤ HUYNH NÊN HỎI GÌ, KHI CON CHỌN NGHỀ?

Chọn nghề để học là 1 trong nhiều việc quan trọng với mỗi người. Với các em học sinh ở tuổi 15, 18, 20, việc này càng không đơn giản. Để chọn đúng nghề và học nghề, đi đến thành công, các em cần cha mẹ đi cùng trong công việc này.

Phụ huynh, cần là người đồng hành cùng con trong công việc này vì nếu không, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, phụ huynh không chỉ là người chia sẻ mà còn là người hỏi để các em trả lời. Ở đây, phụ huynh còn là bạn của các em.

Vậy, phụ huynh nên hỏi gì khi con cái chọn nghề để học?

1. Phụ huynh cần biết, con em của phụ huynh đã tìm hiểu về nghề muốn học hay chưa. Nếu chưa mà đã đăng ký học thì rất "nguy hiểm". Đó có thể là nghe theo bạn bè, người yêu hoặc cũng có thể là "chọn đại". Rất nhiều bạn trẻ đã làm như vậy và sau đó phải dừng lại, chọn nghề khác học, hoặc không học nữa và đi lao động phổ thông. Nghề nghiệp đi theo cả đời, nên các em cần tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Các em chọn nghề, cần có sự định hướng từ gia đình.

2. Phụ huynh cũng nên hỏi các em về thông tin các trường đào tạo nghề mà con em của phụ huynh muốn học. Một nghề, sẽ có rất nhiều trường đào tạo. Nhưng, có trường, các em sẽ học nhiều về lý thuyết (trường đại học). Ngược lại, các em sẽ được thực hành nhiều, nếu học ở 1 trường cao đẳng hoặc trung cấp. Thực hành nhiều, rất có lợi cho chính các em. Doanh nghiệp cũng cần người có kỹ năng nghề chứ không cần người có bằng Đại học mà không làm được việc.

3. "Tại sao nghề này, con cho rằng phù hợp với con?". Đây là 1 trong nhiều câu hỏi mà phụ huynh cần hỏi các em khi chọn nghề. Lúc này, các em sẽ đưa ra minh chứng để chứng minh cho sự phù hợp. Hoặc cũng có thể nhờ phụ huynh tư vấn, hỗ trợ thêm để chọn nghề.

4. Phụ huynh cũng cần biết sở trường và điểm mạnh của các em. Sở trường trong lĩnh vực nào thì học nghề trong lĩnh vực đó. Và, điểm mạnh trong mảng nào thì nên học và làm trong mảng đó. Không ai giống ai. Và, cũng không phải, ai cũng có sở trường, điểm mạnh như nhau.

5. Quý phụ huynh cũng cần biết con em của quý phụ huynh có yêu thích hoạt động nào ngoài việc học. Đó có thể là những hoạt động hướng ngoại như tham gia tình nguyện, chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Hoặc cũng có thể là muốn giao tiếp với máy móc. Hay là, thích làm việc, phục vụ nhiều người. Từ đó, phụ huynh sẽ hướng các em vào những nghề thiên về các mảng đó.

6. Và, phụ huynh cũng cần được biết con em của phụ huynh thích làm gì nhất, muốn trở thành ai, muốn làm trong lĩnh vực gì. Từ đó, phụ huynh hướng các em đi theo con đường để có thể trở thành người làm việc trong lĩnh vực đó ở tương lai.

Không làm thay, nhưng, phụ huynh cần hỗ trợ con cái để chọn nghề và học nghề thành công.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

5 SAI LẦM THƯỜNG GẶP KHI CHỌN NGHỀ

Bạn còn trẻ và bạn có thể sai, thậm chí là sai rất nhiều lần. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tránh được những sai sót, sai lầm, sai phạm vì bên cạnh bạn có rất nhiều người mong muốn được hỗ trợ bạn, được tư vấn hướng nghiệp cho bạn.

Không những thế, bạn cũng có thể tự tìm hiểu nhiều thông tin ở các kênh khác nhau để từ đó có thể tránh được những sai lầm trong chọn nghề, trong học tập. Thông tin hiện nay rất nhiều và nếu bạn "chịu" tìm hiểu thì sẽ thu được rất nhiều.

Những người đi trước bạn cũng đã mắc phải các sai lầm này và hậu quả là không tiếp tục học nữa. Hoặc, cũng có bạn phải chuyển trường, đổi nghề. Có những bạn, dù rất chán, nhưng giấu gia đình và cố theo cho đến ngày tốt nghiệp và...thất nghiệp.

Thế còn bạn? Thầy muốn chỉ ra những sai lầm trong chọn nghề của người đi trước đã gặp phải và bạn đọc để tránh, để không phạm phải.

1. Không hiểu biết về nghề: Nhiều bạn, không hiểu gì về ngành nghề, không chịu tìm hiểu thông tin nhưng vẫn đăng ký học nghề đó. Và, đến khi biết được nghề đang học sẽ như thế nào thì chán nản, bỏ cuộc, dừng lại,...Bạn có thể tránh được việc này nếu tìm hiểu về nghề mà bạn dự định học. Việc này, hoàn toàn không khó. Nếu muốn, bạn có thể làm được.

2. Dựa hoàn toàn vào người khác khi chọn nghề: Người khác ở đây, chắc chắn không phải là bạn, mà là: phụ huynh của bạn, bạn bè của bạn hoặc người yêu của bạn. Bạn học cho bạn mà lại để người khác quyết định hay sao? Hoàn toàn không được, bạn nhé. 

3. Chỉ quan tâm đến Đại học: Nhiều bạn đã xem và xác định: "Đại học là con đường duy nhất". Vậy còn bạn thì thế nào? Theo thầy, học Đại học không sai. Nhưng, học nghề cũng rất tốt và...không xấu. Năng lực học tập của bạn có học Đại học được không? Khả năng tài chính của gia đình bạn có đủ để lo cho bạn trong những năm học tại các thành phố lớn hay không?...Và nhiều câu hỏi khác nữa. Nếu không, bạn cứ chọn học nghề, để không thất nghiệp.

4. Chọn nghề với hy vọng sẽ có thu nhập cao sau này: Ví dụ, bạn nghĩ bạn học những nghề cho tên "quốc tế" thì sẽ rất tốt về sau? Hoặc, học về kinh tế thì sau này thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều so với học kỹ thuật. Nhưng, không phải vậy. Nghề nào cũng có thể mang lại cho bạn thu nhập tốt nếu bạn có kỹ năng nghề tốt và làm hết mình với nghề đã học. Nếu không thì, bạn sẽ thất nghiệp, dù học nghề "quốc tế".

5. Quá tự tin / tự ti: Hoặc bạn cho rằng, bạn có thể học bất kỳ lĩnh vực nào và làm việc "ngon lành". Hoặc bạn không dám làm gì, không tin ở chính bạn. Việc gì "quá" cũng không tốt hết. Không ai có thể học tốt và làm tốt trong tất cả mọi lĩnh vực. Và bạn cũng vậy.

Mong bạn lắng nghe, tìm hiểu để không chọn sai nghề, bạn nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

5 BƯỚC ĐỂ CHỌN NGHỀ

Khi thực hiện bất kỳ một công việc gì, bạn cần có quy trình để công việc ấy đạt được kết quả như mong đợi. 

Chọn nghề để học rất quan trọng với mỗi người. Và vì vậy, bạn cần thực hiện từng bước, không vội vã, và không "chọn đại".

1. Trước tiên, bạn cần hiểu chính bạn thân của bạn. Đó là: Bạn thích những gì? Bạn thích làm gì? Bạn đam mê lĩnh vực nào? Bạn có sở trường gì? Điểm mạnh của bạn là gì? Đâu là những điểm yếu của bạn? Như vậy, có rất nhiều câu hỏi về chính bạn và bạn cần phải trả lời chân thật. Nếu bạn vẫn còn gặp khó khăn, thì thầy cô và gia đình, cũng như bạn bè của bạn sẽ nói cho bạn biết. Chắc chắn, họ nhìn khách quan, họ đưa ra nhận xét, lời khuyên để bạn hiểu được chính bạn.

2. Khi đã hiểu được bạn rồi thì tiếp đến, bạn cần hiểu nghề mà bạn dự định sẽ học. Bạn không thể "chọn đại" một nghề mà phải tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau về nghề đó. Có thể là thông tin về nghề trên Internet hoặc từ trường mà bạn sẽ học. Những người đi trước, các HSSV đã học trước về nghề đó cũng sẽ giúp bạn, nếu như bạn chịu hỏi. Hỏi để có thông tin. Hỏi để hiểu rõ. Hỏi để đi đến quyết định có nên chọn nghề đó để học hay không. Nếu như bạn chọn nghề mà không hình dung ra được nghề đó như thế nào hoặc hoàn toàn không biết gì về nghề thì đúng là quá "nguy hiểm".

3. Sau khi đã hiểu được chính bạn và hiểu về nghề thì bạn có quyền chọn nghề ấy để học. Tự tin lựa chọn, tự tin quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định cuối cùng của bản thân. Không ai hiểu bạn bằng chính bạn. Có thể, bạn có nhiều nghề muốn học. Vậy thì, nghề nào là ưu tiên số 1? Nghề nào làm bạn hứng thú, muốn học ngay để khám phá những ngóc ngách của nghề?

4. Đã chọn được nghề rồi thì bạn lập mục tiêu để chuẩn bị và học tập. Thời gian trôi rất nhanh. Bạn đừng chần chừ để rồi phải hối tiếc. Nghề của bạn chọn học không giống với nghề mà người khác đã chọn học. Điều đó sẽ tốt. Mục tiêu của bạn xây dựng để đi đến thành công cũng khác với bạn bè. Điều đó là bình thường. 

5. Hành động là bước cuối cùng trong chọn nghề. Dù ai nói thế nào, bạn cũng không nên lung lay, buông xuôi hay dừng lại. Chỉ có hành động mới đi đến kết quả, thành công. Tuổi trẻ rồi cũng sẽ qua. Trong thời gian đến, bạn mong muốn đạt điều gì? Nếu bạn mong có 1 nghề nghiệp vững chắc để làm việc thì bạn cần học ngay. Học từ trường, từ thầy cô, bạn bè. Bạn cũng học trên mạng xã hội và cả ngoài xã hội. 

Nghề nghiệp sẽ đi cùng bạn. Bạn cần tham khảo những lời khuyên trên để chọn đúng.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

5 NGUYÊN TẮC KHI CHỌN NGHỀ

Chọn nghề là 1 công việc quan trọng. Bạn chọn nghề trước và sau đó sẽ chọn trường để học. Để chọn được nghề phù hợp, bạn cần quan tâm đến 5 nguyên tắc sau:

1. "Vừa" với mục tiêu: Mỗi người đều có mục tiêu riêng và bạn cũng vậy. Nếu mục tiêu của bạn sau vài năm nữa sẽ có việc làm tốt, học nghề gì đó để không phải lo thất nghiệp,...thì bạn phải thực tế trong nhiều việc, trong đó có chọn nghề. Chọn nghề để học "đến nơi, đến chốn" và không thất nghiệp. Bạn cần lưu ý, nếu mục tiêu của bạn quá cao, quá xa,...thì đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu cần cụ thể. Mục tiêu cần thực tế. Mục tiêu cần có thời gian để có thể đi đến đích. Mục tiêu cần rõ ràng. Mục tiêu không thể chỉ chung chung, mơ hồ. Nghề nghiệp cũng vậy. Không có nghề chung chung, mơ hồ mà là nghề cụ thể. Học để làm việc, để sống được với nghề đã chọn học.

2. "Vừa" với năng lực học tập: Bạn đừng xem điểm số trong học bạ là năng lực của chính bạn. Thực tế, điểm trong học bạ có thể là điểm học thêm. Không những thế, qua điểm số, cũng không thể đánh giá hết năng lực học tập của bạn. Chỉ có chắc chắn 1 điều, bạn sẽ là người biết được rõ nhất năng lực thật sự của chính bạn. Bạn biết được, bạn có những điểm mạnh nào. Ngoài ra, bạn cũng có những điểm yếu chứ không thể môn nào học cũng xuất sắc hoặc nghề gì bạn cũng có thể học được.

3. "Vừa" với điều kiện tài chính của gia đình: Nếu như bạn học trường tư thục, trường quốc tế mà kinh tế gia đình của bạn có giới hạn, thì đó là 1 gánh nặng rất lớn cho ba mẹ của chính các bạn. Không ai dám khẳng định, thành công khi phải học trường quốc tế. Học nghề, bạn có thể học ở tỉnh, nơi bạn sinh sống. Bạn không cần vào thành phố lớn để học nghề. Hiện nay, có rất nhiều nghề mà khi học được giảm học phí, bạn có thể chọn học nếu thấy phù hợp. Học nghề - quan trọng nhất khi bạn tốt nghiệp là kỹ năng nghề của chính bạn, chứ hoàn toàn không phải là bạn đã học nghề ở đâu.

4. "Vừa" với tính cách: Mỗi người chắc chắn sẽ có 1 tính cách khác nhau và bạn cũng không thể giống hoàn toàn tính cách của một ai đó. Nếu như bạn là người nóng tính mà bạn chọn học để trở thành giáo viên thì thật khó thành công. Bởi vì, người giáo viên luôn cần có tính kiên nhẫn, biết lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ. Hoặc, khi bạn không thích chơi với trẻ em mà bạn lại chọn nghề sư phạm mầm non để học thì làm sao có thể trở thành cô giáo mầm non tốt. Chọn nghề để học, gắn với tính cách, bạn nhé.

5. "Vừa" với sức khỏe: Nghề nghiệp, có nghề tương đối nhẹ nhàng, nhưng cũng có nghề nặng nhọc, vất vả. Vậy thì, sức khỏe của bạn thế nào? Bạn có thể làm y tá, điều dưỡng,...nếu như bạn chấp nhận thức khuya, có những giấc ngủ chập chờn và làm việc theo ca chứ không phải làm việc theo giờ hành chính. Bạn cũng có thể làm về xây dựng nếu như bạn chấp nhận khói bụi, chịu được tiếng ồn và ở ngoài nắng nóng nhiều hơn trong nhà.

Tất cả mọi việc, "vừa" sẽ rất tốt và bạn cần lưu ý đến 5 "vừa " ở trên để chọn nghề.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

5 LƯU Ý KHI CHỌN NGHỀ

Chọn nghề là việc rất quan trọng. Và, bạn cần lưu ý những điều sau:

1. Lắng nghe: Bạn cần lắng nghe sự tư vấn hướng nghiệp từ thầy cô ở trường bạn đang học; từ thầy cô đến từ các trường Đại học / Cao đẳng / Trung cấp và từ ba mẹ, người thân. Lắng nghe rất quan trọng. Lắng nghe để thành công. Lắng nghe để hiểu và từ đó bạn hỏi, nếu còn thắc mắc. Thầy khuyên bạn không nên lơ là với việc học. Người đi trước khuyên bạn vì họ đã có kinh nghiệm và trải nghiệm. Nếu bạn vẫn thờ ơ thì thật đáng tiếc. Nếu bạn vẫn không quan tâm thì sau này sẽ hối tiếc. 

2. Chọn nghề phù hợp: Bạn cần chọn và học 1 nghề phù hợp. Phù hợp với khả năng tài chính của gia đình? Rất cần, bạn nhé. Nếu bạn học trường tư thục, gia đình bạn phải chi trả rất nhiều. Bạn có thể đi làm thêm để trang trải, nhưng nếu làm thêm quá nhiều, việc học của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Phù hợp với năng lực học tập của bạn? Rất cần nhé. Bạn đừng nghĩ rằng, điểm số trong học bạ của bạn rất cao và bạn sẽ học tốt ở Đại học. Hoàn toàn không phải như vậy nhé. Chính bạn là người hiểu bạn nhất.

3. Chọn nghề "hot"? Không cần thiết phải như vậy, bạn nhé. Có thể hào nhoáng của nghề đó làm hấp dẫn nhiều người và cả bạn. Nhưng, nghề "hot" là nghề rất nhiều người học. Bạn cũng học thì khi tốt nghiệp sẽ cạnh tranh rất cao. Ví dụ, có 1000 người tốt nghiệp ở nghề "hot" nhưng doanh nghiệp chỉ cần 20 người làm việc cho nghề này. Lúc này, nếu bạn không có ngoại ngữ, thiếu kỹ năng tin học, không có kỹ năng "mềm" thì bạn sẽ không thể có việc làm.

4. Chọn nghề theo bạn bè, người yêu: Việc này, rất nhiều bạn đã làm và sau thời gian học ngắn đã phải chuyển trường, đổi nghề. Đơn giản bởi vì không phù hợp. Nghề đó, trường đó, có thể phù hợp với bạn của bạn, phù hợp với người yêu của bạn. Tuy nhiên, nó không phù hợp với bạn. Bạn đừng chọn nghề theo số đông, học theo người khác và mà chọn và học cho chính bạn. Cân nhắc không bao giờ thừa và đừng để mất thời gian, tài chính để...làm lại từ đầu.

5. Bạn cần tìm hiểu về nhu cầu của xã hội, thị trường lao động về nghề bạn mong muốn học. Ví dụ, trong 5 năm đến, nhu cầu về lao động của nghề bạn muốn học là khoảng bao nhiêu người. Bạn có rất nhiều kênh để tìm hiểu, tham khảo. Thị trường lao động cần nhiều người thì bạn có thể học nghề đó. Nếu thị trường lao động đã bão hòa, thì bạn nên cân nhắc. 

Học là để làm việc và vì vậy, bạn không nên "chọn đại" và "học đại". 

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

CHUYỂN TRƯỜNG, ĐỔI NGHỀ, KHI ĐÃ HỌC, ĐƯỢC KHÔNG?

Bạn đã nhập học và học 1 thời gian. Sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, bạn muốn chuyển trường, thay đổi nơi học, đổi nghề?

Bạn đã tốt nghiệp Trung cấp / Cao đẳng / Đại học và nay muốn học một ngành / một nghề khác? 

Bạn muốn chuyển đổi điểm của các môn học tương ứng mà bạn đã học và đạt?

...

1. Nếu bạn đang học Đại học nhưng cảm thấy không phù hợp hoặc quá nhiều lý thuyết và bạn muốn chuyển sang học Cao đẳng / Trung cấp thì việc này hoàn toàn có thể thực hiện. Bạn có thể học nghề tại trường Cao đẳng / Trung cấp cùng hoặc khác với ngành đã học ở bậc Đại học. Bạn đủ điều kiện học Đại học thì đủ điều kiện học Cao đẳng / Trung cấp. Nếu bạn đã học và thi 1 số môn thì bạn cần có xác nhận kèm điểm số của trường Đại học để trường mới (trường bạn muốn chuyển đến) xem xét, quyết định và miễn môn tương ứng trong chương trình học, đã đạt.

2. Nếu bạn đang học Cao đẳng / Trung cấp và muốn chuyển đến 1 trường khác cũng để học Cao đẳng / Trung cấp thì hoàn toàn có thể được. Bạn có thể học cùng nghề hoặc khác nghề đã học ở trường cũ. Khi bạn có minh chứng các môn đã học và đạt thì trường mới cũng lấy đó làm cơ sở, xem xét để miễn môn cho bạn (nếu phù hợp với chương trình đã học ở trường mới).

3. Nếu bạn đang học nghề trong trường Cao đẳng / Trung cấp nhưng muốn chuyển sang 1 nghề khác, cũng trong trường đang học, thì hoàn toàn có thể được. Trong cùng 1 trường thì lại dễ dàng hơn nhiều. Nhà trường sẽ xem xét nguyện vọng của bạn rồi quyết định.

4. Nếu bạn đã tốt nghiệp và giờ học tiếp nghề khác thì cũng có thể sử dụng bảng điểm của khóa học trước để nộp cho nhà trường (trường mới). Từ đó, nhà trường (trường mới) cũng có thể xem xét và miễn 1 số môn.

Khi thấy không phù hợp, bạn có thể chuyển nghề, chuyển trường, để không mất thêm công sức, thời gian, tài chính và rồi có thể...thất nghiệp.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

HỌC LIÊN THÔNG LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Bạn đi học nghề và được tư vấn, định hướng nên cố gắng để tốt nghiệp thì có thể học liên thông. Nhưng, có lẽ, bạn chưa rõ, học liên thông là như thế nào. Trong bài viết này, bạn sẽ có thông tin về việc học liên thông.

1. Trước hết, có thể hiểu cơ bản, học liên thông là học lên 1 bậc học cao hơn so với trình độ đã đạt được. Thường là như vậy. Ví dụ, bạn đã có bằng trung cấp và bạn đăng ký học Cao đẳng. Như vậy, đây chính là học liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng (Cao đẳng liên thông). Hoặc, bạn đã có bằng Cao đẳng và bạn học tiếp lên Đại học thì chính là liên thông từ Cao đẳng lên Đại học (Đại học liên thông). Ngoài ra, bạn cũng có thể học liên thông từ Trung cấp lên Đại học, hoặc từ Sơ cấp lên Trung cấp.

2. Để học liên thông, bạn cần có chứng chỉ Sơ cấp; bằng Trung cấp; bằng Cao đẳng và cũng cần phải có thêm bằng THCS; THPT hoặc là bảng điểm. Tùy bậc học mà nơi bạn học liên thông sẽ có những yêu cầu cụ thể về các loại giấy tờ. Ví dụ, nếu bạn học liên thông lên từ Trung cấp lên Cao đẳng, thì bạn cần có bằng Trung cấp; Bảng điểm Trung cấp; bằng THPT hoặc chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT.

3. Học liên thông, bạn có thể học đúng nghề. Ví dụ như: Trung cấp Điện công nghiệp và giờ bạn học tiếp Cao đẳng Điện công nghiệp. Bạn cũng có thể học gần với nghề đã học. Ví dụ như: Cao đẳng Điện tử công nghiệp liên thông lên Đại học Điện công nghiệp. Bạn cũng có thể học trái nghề. Đó có thể là: Bạn học xong trung cấp nghề Hàn và bạn muốn học trung cấp nghề Nghiệp vụ nhà hàng.

4. Hiện nay, để học liên thông, bạn có thể phải thi tuyển hoặc nhà trường sẽ xét tuyển và công nhận bạn đã trúng tuyển để nhập học. Ngoài ra, với những trường hợp liên thông ngành gần hoặc trái ngành, bạn sẽ học bổ sung kiến thức 1 số môn học theo quy định.

5. Thời gian học liên thông thường là buổi tối hoặc cuối tuần. Với thời gian này, bạn cũng dễ dàng tham gia học vì thực tế, phần lớn những người học liên thông đang đi làm nên khó có thể học chính quy hoặc vào giờ hành chính.

Cơ hội học tiếp rất nhiều và khi bạn cố gắng, bạn sẽ thành công.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

NHỮNG THẮC MẮC KHI BẠN HỌC CAO ĐẲNG LÀ GÌ?

Bạn đủ điều kiện học Cao đẳng nếu như bạn đã tốt nghiệp THPT. Và khi chuyển sang môi trường mới (từ trường phổ thông, sang trường cao đẳng), chắc chắn bạn sẽ có nhiều thắc mắc. Là người làm công tác tư vấn hướng nghiệp, thầy cũng rất thường xuyên nhận được nhiều thắc mắc của các bạn khi muốn học cao đẳng. Đó là:

1. Phương thức xét tuyển / thi tuyển để học cao đẳng là gì? Hầu hết các trường cao đẳng hiện nay đều xét học bạ THPT để nhận học sinh vào học cao đẳng. Đó có thể là điểm trung bình chung của năm lớp 10, 11, 12. Hoặc cũng có thể là điểm thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, một số trường tổ chức thi tuyển riêng với các nghề đặc thù hoặc đang có sức hút lớn (thu hút nhiều người đăng ký). Phương thức xét tuyển của mỗi trường là khác nhau. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu thông tin trên trang Web, Facebook, hoặc thông tin tuyển sinh của từng trường.

2. Đăng ký xét tuyển online được không? Hiện nay, nhiều trường đã hỗ trợ thêm các hình thức để đăng ký xét tuyển và nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Ngoài các cách truyền thống như gửi hồ sơ theo đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường, thì có thể đăng ký thông tin trực tuyến để xét tuyển. Lưu ý với các bạn, cho dù đã đăng ký xét tuyển trực tuyến thì khi nhập học cũng phải nộp hồ sơ (bản chính / bản photo có công chứng các giấy tờ) để nhà trường đối chiếu. Việc phải có hồ sơ bản cứng (bản giấy) là bắt buộc để nhà trường lưu trữ, quản lý hồ sơ của từng HSSV.

3. Nếu học cao đẳng thì có được hoãn nghĩa vụ quân sự? Hoãn / Miễn nghĩa vụ quân sư là quyết định của cơ quan quân sự địa phương. Nhà trường sẽ làm giấy xác nhận đang là HSSV của trường (nếu đang học) để người học nộp cho các cơ quan xem xét, quyết định.

4. Học Cao đẳng xong, có thể học liên thông lên Đại học? Hoàn toàn có thể. Với bằng THPT và bằng Cao đẳng, người có nhu cầu có thể học tiếp để bổ sung kiến thức, hình thành kỹ năng và nhận những bằng cấp cao hơn. Việc học liên thông sẽ theo quy định của từng trường Đại học và có thể thi tuyển hoặc xét tuyển đầu vào.

5. Danh hiệu Kỹ sư thực hành / Cử nhân thực hành là gì? Nếu bạn học xong cao đẳng, bạn sẽ nhận được bằng cao đẳng và ghi kèm với danh hiệu Kỹ sư thực hành (nếu học nghề thuộc lĩnh vực Kỹ thuật; Công nghệ) / Cử nhân thực hành (nếu học nghề thuộc lĩnh vực Kinh tế; Du lịch). Chữ "thực hành" ở đây như 1 điểm cộng cho bạn và doanh nghiệp cũng biết thêm rằng, trong chương trình học của bạn, bạn đã thực hành nhiều. 

Nếu xong Cao đẳng, bạn cần thêm 1,5 năm đến 2 năm là hoàn thành chương trình Đại học.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

BẠN CẦN BIẾT GÌ, KHI HỌC TRUNG CẤP?

Bạn được tư vấn học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS. Và, theo quy định hiện hành, người học trung cấp khi đã có bằng THCS hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS (tạm thời). Tuy nhiên, việc học là quan trọng và bạn hoặc phụ huynh của các bạn cũng cần nên biết khi quan tâm đến học trung cấp hiện nay.

1. Học trung cấp là học nghề? Chính xác là như vậy. Hiện nay, học nghề bao gồm: học thường xuyên (ngắn hạn, thời gian ngắn); học sơ cấp (từ vài tháng đến dưới 1 năm); học trung cấp (từ 1 năm đến 2 năm); học cao đẳng (từ 2 năm đến 3 năm). Khi học nghề, bạn có thể học ở các trình độ khác nhau (theo quy định).

2. Học trung cấp thì có học thêm văn hóa không? Đây cũng là câu hỏi và thắc mắc của rất nhiều người. Theo quy định hiện nay, bạn có thể chỉ học trung cấp và không cần học thêm văn hóa THPT. Như vậy, học văn hóa THPT khi học trung cấp là tự nguyện. Nếu như bạn học thêm, cố gắng thì sẽ có nhiều thuận lợi về sau. Thuận lợi lớn nhất là có thể học liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng khi đã hoàn thành văn hóa THPT. 

Học văn hóa THPT, bạn cũng có 2 lựa chọn. Bạn có thể học văn hóa THPT "giảm tải" để nhận giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT. Học theo hướng này, có thể phù hợp với năng lực của bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể học văn hóa THPT (giáo dục thường xuyên). Đi theo hướng này, bạn sẽ phải cố gắng rất nhiều. Bởi vì, học nghề và học văn hóa song song, nên thời gian học rất nhiều và áp lực cũng rất lớn. Nếu mọi việc thuận lợi, bạn sẽ có thể hoàn thành chương trình trong 2 năm. Sau đó, bạn còn 1 năm nữa để học và hoàn thành chương trình THPT.

3. Học trung cấp, có "bằng cấp 3" không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta quay lại thông tin đã cung cấp bên trên. Nếu như không học văn hóa THPT mà chỉ học trung cấp thì không có "bằng cấp 3" nào cả. Nếu như chỉ học văn hóa "giảm tải" thì tốt nghiệp văn hóa, cũng không có "bằng cấp 3". Nếu như học văn hóa THPT (giáo dục thường xuyên) thì có khả năng nhận được "bằng cấp 3", khi thi đậu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ giáo dục tổ chức hàng năm.

4. Bằng trung cấp có phải là "bằng 12" không? Ở đây có thể hiểu là, bằng trung cấp thì có phải là bằng THPT hay không. Câu trả lời là "Không". Bởi vì, bằng THPT liên quan đến trình độ văn hóa của 1 người. Trong khi đó, bằng Trung cấp là minh chứng cho năng lực nghề nghiệp của 1 người. 

5. Nếu chỉ tốt nghiệp trung cấp, doanh nghiệp có nhận làm việc hay không? Hiện nay, doanh nghiệp không còn quan tâm nhiều đến "bằng cấp 3" hay bằng Đại học. Bởi vì, phần lớn doanh nghiệp cần "thợ" nhiều hơn cần "thầy". "Thợ" là những người đã xong Sơ cấp; hoàn thành Trung cấp hoặc tốt nghiệp Cao đẳng. Đây chính là lực lượng lao động cần thiết cho mỗi doanh nghiệp. Điều quan tâm của doanh nghiệp hiện nay: người tốt nghiệp từ trường nghề hoặc sau khi học nghề có kỹ năng nghề (tay nghề) hay không và có làm việc được không. Hoàn toàn không phải là bằng cấp nhiều, bằng cấp cao và không làm được việc. Như vậy, doanh nghiệp nhận bạn, nếu bạn làm được việc chứ không phải nhận bạn vì bằng cấp của bạn. Bạn yên tâm nhé.

Hy vọng, những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc cho bạn.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

LƯU Ý KHI CHỌN NGHỀ, CHỌN TRƯỜNG

Chọn nghề và chọn trường để học là một trong nhiều việc rất quan trọng của mỗi người, trong đó có các bạn trẻ. Với rất nhiều người, nghề nghiệp sẽ đi theo đến cả cuộc đời. Cho nên, để thực hiện việc chọn nghề, chọn trường, bạn nên lưu ý những điều sau:

1. Có thể bạn nghe các trường Đại học; Cao đẳng tư vấn rằng họ là những trường quốc tế. Hoặc, bạn thấy chữ "quốc tế" trong tên của trường. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, không phải cứ "quốc tế" là hơn Việt Nam. Và, nếu bạn học những trường có chữ "quốc tế" thì bạn sẽ nộp học phí cao hơn các trường không có chữ "quốc tế". Đó là điều chắc chắn. Bạn cần tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, để biết nhiều việc của trường có thật sự là "quốc tế" không. Sau đó, nếu muốn, bạn đăng ký học cũng không muộn. 

2. Nhiều trường sẽ thông báo đào tạo các chương trình chất lượng cao. Nhưng, thế nào là chất lượng cao. Bạn cũng phải tìm hiểu về nhà trường, về cơ sở vật chất của trường, về trang thiết bị dạy học của trường. Nếu một trường phải đi thuê cơ sở vật chất để dạy, chỉ dạy bằng bảng - phấn, mà thông báo chất lượng cao, thì chính là "tự xưng".

3. Một số trường khác, khi bạn nghe tư vấn, đã không thông báo về học phí nhưng lại đề cập đến học bổng. Bạn cần lưu ý vì học bổng không thể nào có thể cấp phát cho mọi người. Vậy thì, bạn cần hỏi, cần tìm hiểu vấn đề này.

4. Hiện nay, tốt nghiệp sẽ gắn với việc làm. Và, nhiều trường thông báo "cam kết việc làm" cho các bạn sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các bạn không nên dựa vào đó và không quan tâm đến học hành. Bạn đừng nghĩ rằng, chắc chắn sẽ có việc làm vì nhà trường đã cam kết, hỗ trợ. Để có việc làm, bạn phải cố gắng trong học tập, bạn nhé. 

5. Theo quy định hiện nay, các trường Cao đẳng; Đại học phải công bố chuẩn đầu ra. Đây là khung để các bạn biết được yêu cầu của nhà trường dành cho bạn. Bạn phải đạt các yêu cầu trong chuẩn này thì mới có thể tốt nghiệp. Vì vậy, bạn cần cân nhắc khi chọn nghề, chọn trường. Nếu yêu cầu quá cao, có thể, không phù hợp với bạn. Và, bạn nên chọn nghề khác, trường khác để học ngay từ đầu.

Cân nhắc, tìm hiểu trước khi quyết định học là không thừa, bạn nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

BẠN NÊN HỎI GÌ, KHI NGHE TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP?

Hiện nay, bạn có thể nhận được rất nhiều những lời khuyên, sự tư vấn và hỗ trợ để bạn có thể học tiếp sau THPT. Đó là điều rất thuận lợi.

Tuy nhiên, các bạn không chỉ nghe mà cần hỏi, tìm hiểu thêm thông tin để nhiều việc được rõ ràng và từ đó quyết định con đường đi tiếp.

1. Bạn cần tìm hiểu về trường sẽ học. Đó là trường công lập hay tư thục? Bởi vì, nếu là trường tư thục, bạn phải nộp học phí cao hơn trường công lập. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường, cũng như các thông tin khác. Một ngôi trường nếu có truyền thống, được xã hội ghi nhận, nhiều người chọn học thì bạn cũng sẽ yên tâm để học tập.

2. Tìm hiểu về tổng quan nghề mà bạn muốn đăng ký học cũng là việc nên làm. Khi biết và hiểu rõ về nghề, bạn sẽ đi đến quyết định việc học nghề nào. Học nghề để làm việc nên không phải và không thể là "học đại" mà là học thật, học nghiêm túc.

3. Hiện nay, doanh nghiệp tuyển dụng người có kỹ năng nghề (tay nghề). Và để có được năng lực làm việc, bạn cần phải thực tập và thực hành rất nhiều. Cho nên, điều cần tìm hiểu khi bạn nghe tư vấn, hướng nghiệp là về chương trình học. Nếu chương trình học ít lý thuyết, nhiều thực hành thì bạn nên chọn. Vì, người được lợi nhất trong việc này là chính bạn.

4. Đến trường Cao đẳng, Đại học, bạn không chỉ học mà còn kết nối, tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu những dịch vụ dành cho người học mà nhà trường cung cấp. Nhà trường có nhiều câu lạc bộ hay không? Nhà trường có sân chơi thể thao, nhà thi đấu,...hay không? Bạn tìm hiểu để từ đó chọn môi trường "đáng học" và học tập.

5. Ngoài ra, bạn cũng cần biết đến sự gắn kết của nhà trường và doanh nghiệp. Nhà trường, nơi bạn định học, có cam kết hay hỗ trợ việc làm cho bạn, sau khi bạn tốt nghiệp hay không? Nếu có, thì đó là rất thuận lợi cho bạn. Bạn cố gắng học để có việc làm tốt.

Bạn cần hỏi để rồi có thể chọn trường, chọn nghề phù hợp, bạn nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

BẠN CÓ THỂ HỌC NGHỀ Ở ĐÂU?

Nếu chọn học nghề, bạn sẽ có nhiều nơi để học.

1. Học nghề tại các trường Trung cấp; Cao đẳng. Ở đây, bạn có thể học chính quy, thực hành và thực tập để có kỹ năng nghề.

2. Học nghề tại các Trung tâm dạy nghề, nếu như bạn học ngắn hạn (thời gian ngắn). Học nghề ở những nơi này, bạn sẽ nhận chứng chỉ.

3. Bạn cũng có thể học nghề ở các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận bạn vào để học nghề và làm việc ngay.

4. Ngoài ra, bạn có thể học nghề trên Internet. Bạn có thể tự học về Công nghệ thông tin và từ đó áp dụng vào công việc.

Tỉnh, thành phố nào hiện nay cũng có trường nghề và trung tâm dạy nghề. Nếu bạn muốn học nghề, bạn không cần phải đi xa để học.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

NỮ SINH HỌC "NGHỀ KỸ THUẬT" ĐƯỢC KHÔNG?

Bạn là nữ sinh và bạn muốn học nghề trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ?

Nhưng bạn "nghe nói", nếu là nữ thì không thể học nghề về kỹ thuật, công nghệ?

Vậy thì, thầy sẽ giải thích để bạn hiểu nhé.

1. Trước đây, có rất nhiều nữ sinh học nghề trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và đã học tốt. Những bạn ấy cũng đã tốt nghiệp, đi làm và có thu nhập xứng đáng với năng lực. Hiện nay, nhiều bạn nữ cũng đang học nghề về kỹ thuật tại rất nhiều trường nghề trong cả nước. Và, bạn cũng có thể học. 

2. Nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cần sự tỉ mỉ, chính xác và điều này, nữ sinh sẽ có thể học và làm tốt hơn các bạn nam. Hầu hết các bạn nữ "có thừa" sự khéo léo, cẩn thận. Và, bạn cũng vậy. Cho nên, bạn hoàn toàn có thể học nghề và không chỉ học những nghề về du lịch, dịch vụ, quản trị,...

3. Trước đây và hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang cần rất nhiều nữ kỹ sư, nữ kỹ thuật viên,...Nhiều vị trí công việc tại doanh nghiệp, không chỉ nam giới mới có thể giải quyết, thực hiện mà nữ giới cũng hoàn toàn có thể "xắn tay" để làm. Ở nước ngoài, nữ giới làm việc trong công nghiệp nặng cũng rất nhiều.

4. Xã hội Việt Nam của chúng ta cũng đang thay đổi từng ngày và bình đẳng giới là điều mà nhiều tổ chức, cá nhân đang hướng đến. Vậy thì, không có lý do gì để phân biệt nam hay nữ, học nghề gì, làm nghề gì mà chỉ dành cho nam hay chỉ dành cho nữ. Nam làm được thì nữ cũng làm được, bạn nhé.

Nếu bạn muốn học, bạn có thể học và khi cố gắng, thì bạn sẽ thành công.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

BẠN NÊN HỌC NGHỀ GÌ?

Có thể, bạn có những trăn trở vì không biết nên chọn nghề gì để học.

Vậy thì, bạn cần tìm từ khóa "John Holland" và "MBTI" để thực hiện những bài trắc nghiệm nhằm hiểu bản thân bạn.

Xây dựng đất nước theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa thì rất cần đến nhân lực để làm việc trong mảng kỹ thuật, công nghệ. Vì vậy, bạn học nghề trong lĩnh vực Cơ khí; Điện; Điện tử; CNTT;...đều rất tốt.

Hiện nay, nhiều tỉnh / thành phố (và nhất là các tỉnh / thành thuộc khu vực Miền Trung) đang phát triển về du lịch. Học những nghề về du lịch, nhà hàng, dịch vụ,...và có ngoại ngữ tốt thì bạn không lo thất nghiệp.

Nếu bạn muốn học về nghệ thuật, y dược thì rất cần đến đam mê, sở thích và năng lực của chính bạn. Những lĩnh vực này rất đặc thù và không phải ai cũng có thể học, thành công. Bạn nên chú ý nếu muốn học.

Trong thời đại 4.0, thương mại điện tử hay công nghệ sinh học đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu học, bạn cần phải học tốt, có sự nhạy bén, tích cực để làm việc trong những lĩnh vực này.

Bạn có thể học nhiều nghề và quan trọng nhất là học thật tốt để có kỹ năng, làm việc tốt, bạn nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.