Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU?

Bạn đã thiết lập mục tiêu theo phương pháp SMART (thông minh)?

Bạn cũng đã có nhiều mục tiêu cho từng công việc, cho việc học tập và cho cuộc sống của bạn?

Nhưng, để "đi đến cuối con đường", đạt mục tiêu đã đề ra, thì hoàn toàn không đơn giản, bạn nhé.

Bạn cần lưu ý:

1. Kiểm tra lại, xem mục tiêu bạn xây dựng đã theo SMART chưa? Đó là: Mục tiêu cần phải cụ thể, không mơ hồ, không chung chung; Mục tiêu bạn xây dựng có thể đo, đếm được không? Tức là, nó có các con số, có định lượng hay không? Mục tiêu bạn đặt ra có khả thi, khả quan không hay quá cao xa, bạn khó mà thực hiện? Mục tiêu cũng cần phải thực tế, phù hợp với hoàn cảnh, với tài chính, với điều kiện của bạn nhé. Và, mục tiêu của bạn đã có giới hạn về thời gian chưa?

2. Mục tiêu có rồi thì cần phải lập kế hoạch theo công thức (5W1H2C5M). Kế hoạch thì phải chi tiết, cụ thể rồi. Và chỉ có như vậy, bạn mới có thể thực hiện để đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, bạn cần có cam kết cho chính bạn để đi đến cùng. Cam kết với bản thân là phải cố gắng bằng mọi giá, thực hiện cho được. Có nhiều bạn, khi đã có mục tiêu và có kế hoạch, rồi cũng cam kết, nhưng cuối cùng thì...bỏ ngang nhiều việc. Như vậy là không kiên trì, bạn nhé.

3. Thực việc từng công việc và từng bước cũng không hề đơn giản, bạn cần có người nhắc việc. Nhưng, bạn đã lớn rồi, học tập và sinh sống xa nhà, ai nhắc các bạn, ngoài chính các bạn? Như vậy, mỗi ngày, bạn cần liệt kê những việc phải làm và thực hiện nó. Và, bạn cần đến App của điện thoại để nhắc bạn làm việc, học tập, thực hiện. Mỗi ngày, bạn có "trăm công, nghìn việc" nên có thể bạn quên. Vì vậy, hãy nhờ đến công nghệ. Không những thế, để đạt mục tiêu đã đề ra là 1 chuỗi các gắn kết các công việc. Liên tưởng, gắn kết và thực hiện, bạn nhé.

4. Mỗi ngày, bạn cần hành động. Vì, nếu để dồn 1 lúc quá nhiều việc, bạn lại gặp áp lực và khó mà thực hiện để hoàn thành. Ở đây, bạn nên chia nhỏ công việc ra để thực hiện và khi tích cóp kết quả từng bước, từng giai đoạn, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi kết quả cuối cùng đã sắp hoàn thành.

Sẽ có những lúc chán nản, muốn bỏ cuộc và lúc này, bạn xem lại, vì sao bạn bắt đầu để từ đó tiếp tục con đường mà bạn chưa về đích.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

LẬP KẾ HOẠCH (5W1H2C5M)

Có thể, bạn đã có 1 hoặc nhiều mục tiêu trong học tập. Tuy nhiên, nếu chỉ có mục tiêu và...để đó, thì không bao giờ bạn có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, bạn cần có kế hoạch và hành động, thực hiện theo kế hoạch mà bạn đã xây dựng.

Có nhiều cách để lập kế hoạch và bạn cũng có thể hình dung bạn cần phải làm gì, làm như thế nào. Bạn cũng có thể dùng sơ đồ tư duy để viết ra những ý chính và thực hiện. Và, tốt hơn, bạn nên theo công thức 5W1H2C5M để có kế hoạch rõ ràng, cụ thể.

5W (Why? Who? What? When? Where?)

Why? (Tại sao?): Bạn hãy tự trả lời, tại sao bạn cần phải lập kế hoạch này. Mỗi công việc đều nên cần có kế hoạch, bạn nhé. Và, bạn cần thấy được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch này.

Who? (Ai?): Ai sẽ là người cùng bạn thực hiện kế hoạch hay chỉ riêng bạn? Ai tham gia vào kế hoạch của bạn?

What? (Cái gì?): Kế hoạch của bạn để thực hiện công việc cụ thể là gì? Kế hoạch của bạn nhằm giải quyết vấn đề gì?

When? (Khi nào?): Khi nào bạn bắt tay vào để thực hiện kế hoạch? Bạn cần có thời gian cụ thể nhé, vì một ngày, bạn chỉ có 24 giờ mà thôi.

Where? (Ở đâu?): Bạn thực hiện kế hoạch ở đâu? Kế hoạch diễn ra ở đâu? Địa điểm để bạn thực hiện kế hoạch không kém phần quan trọng nhé. 

1H (How?)

How? (Như thế nào?): Kế hoạch đã có và bạn thực hiện như thế nào? Bằng cách nào để bạn có thể bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch?

2C (Check; Control)

Check (Kiểm tra): Kế hoạch đã có, nhưng khi bạn thực hiện, ai sẽ kiểm tra bạn và kế hoạch mà bạn đề ra? Thực hiện cần đi đôi với kiểm tra, bạn nhé.

Control (Kiểm soát): Việc thực hiện kế hoạch của bạn cũng cần phải có sự kiểm soát. Vậy, ai làm việc này, hay cũng chính là bạn?

5M (Money; Man; Method; Material; Machine)

Money (Tài chính): Nguồn tiền nào để bạn thực hiện kế hoạch? Rất nhiều việc, khi bạn thực hiện, bạn phải tính toán cả vấn đề tài chính.

Man (Nguồn nhân lực): Ai sẽ cùng bạn thực hiện kế hoạch và ai sẽ là người hỗ trợ bạn để thực hiện kế hoạch?

Method (Phương pháp): Để thực hiện kế hoạch này, cần tiến hành theo những phương pháp nào?

Material (Nguyên vật liệu): Khi thực hiện kế hoạch của bạn, bạn có cần đến nguyên vật liệu hay không?

Machine (Máy móc): Kế hoạch của bạn, có cần đến máy móc, trang thiết bị hay không?

Bạn càng có kế hoạch rõ ràng thì bạn càng dễ dàng thực hiện kế hoạch nhé.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

LỢI ÍCH KHI BIẾT NHIỀU NGOẠI NGỮ

Ngoại ngữ rất quan trọng và cũng rất cần thiết cho chính bạn. Bạn có nghĩ như vậy không? 

Ngoại ngữ - cho dù là tiếng Anh hay tiếng Nhật, tiếng Hàn, hoặc tiếng Pháp, tiếng Đức đều rất có ích cho chính bạn. 

Hiện nay, nếu bạn học nghề bậc Trung cấp hoặc Cao đẳng thì ngoại ngữ là môn học bắt buộc và hầu hết các trường ở Việt Nam sẽ dạy tiếng Anh. Bên cạnh đó, một số trường dạy thêm các ngoại ngữ khác và thường là miễn phí, do doanh nghiệp tài trợ để giảng dạy và sau này, người học có thể sang nước ngoài làm việc. 

Khi biết một ngoại ngữ, bạn sẽ biết thêm nhiều điều. Và, khi biết nhiều ngoại ngữ, thì thật sự bạn là người "toàn cầu". Bởi vì, bạn có thể sẽ thấy rất nhiều lợi ích. Không những thế, ngoại ngữ chính là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa, mang bạn đến với thành công. Bạn không thể nào từ chối tiếng Việt vì nó là tiếng mẹ đẻ. Nhưng, bạn cũng không thể chỉ dùng tiếng Việt để giao lưu quốc tế.

Vậy, đâu là lợi ích khi bạn biết nhiều ngoại ngữ?

1. Trở nên thông minh hơn: Học ngoại ngữ, bạn cũng phải tư duy, suy luận và khi có tìm tòi, có kết nối, bạn sẽ thấy rằng, bạn thông minh. Học hỏi từ nhiều người, qua nhiều nguồn,...thì sẽ biết nhiều và thông minh chứ còn gì nữa, phải không bạn?

2. Phát triển sự nghiệp: Bạn biết đó, ngày nay, khi tuyển dụng, doanh nghiệp đều yêu cầu người ứng tuyển biết ngoại ngữ. Cụ thể hơn là có thể sử dụng tiếng Anh. Và, nếu bạn biết thêm ngoại ngữ khác thì chắc chắn đó là điểm cộng cho chính bạn. Doanh nghiệp cần điều đó với nhân viên.

3. Mở rộng kết nối: Bạn thích nghe một người nước ngoài, nói tiếng Anh với bạn ở Việt Nam, hay bạn thích nghe và muốn nghe họ nói tiếng Việt? Bạn có thấy vui vì họ biết tiếng Việt không? Họ học để kết nối đó. Và, bạn cũng vậy. Khi sang 1 nước nào đó mà sử dụng được ngôn ngữ của đất nước đó để giao tiếp thì còn gì bằng.

4. Phiêu lưu thỏa thích: Thêm câu hỏi cho bạn. Bạn thích đi du lịch theo công ty du lịch và có người hướng dẫn, phiên dịch? Hay bạn muốn tự bản thân đi và tự tin giao tiếp với người bản xứ, tại đất nước nơi bạn đến? Bạn làm được, khi bạn có kỹ năng ngoại ngữ, bạn nhé. Việc gì phụ thuộc cũng khó mà thoải mái. Vậy thì, để không phụ thuộc, bạn cần học và áp dụng khi có thể.

5. Thành công dân toàn cầu: Sẽ thật khó khăn nếu bạn muốn ra nước ngoài làm việc mà không biết ngoại ngữ nào. Và cũng khó khăn ngay tại Việt Nam, nếu bạn làm việc trong những lĩnh vực như: nhà hàng, khách sạn; dịch vụ mà không biết ngoại ngữ. Biết để sử dụng, giao tiếp và kết nối. Từ đó, bạn tự tin trong nhiều việc. Công dân toàn cầu và trong thời đại 4.0, phải biết ngoại ngữ, bạn nhé.

Bạn có ngoại ngữ, bạn biết nhiều ngoại ngữ, thì nhiều trở ngại, bạn có thể vượt qua. 

Bạn xem Video Clip tại đây.

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU ĐỂ THÀNH CÔNG

Mỗi bạn HSSV cần xây dựng mục tiêu trong học tập. Mục tiêu đó, cũng chính là đích đến mà bạn mong muốn đạt được. Đó có thể là đạt kết quả tốt trong khóa học. Hoặc cũng có thể là đạt kỹ năng nghề tốt; Và cũng có thể là bạn xây dựng mục tiêu để có thể sử dụng tốt ngoại ngữ sau thời gian học tại trường nghề.

Dù thế nào đi nữa thì thành công là điều ai cũng mong đợi, nhưng không dễ gì đạt được nếu thiếu những kế hoạch, sự cố gắng của chính bạn. Bạn đừng mong chờ vào may mắn vì thực tế, may mắn chỉ chiếm khoảng 1%, còn là là cố gắng của chính bạn. Bạn cần lưu ý:

1. Tập trung vào mục tiêu: Khi đã có mục tiêu do chính bạn đặt ra thì bạn cần tập trung vào mục tiêu ấy. Trong quá trình thực hiện, có thể có nhiều tác động bên ngoài vào bạn và bạn không tập trung. Đó là điều bạn nên tránh. "Dù ai nói ngả, nói nghiêng" thì bạn cũng nên cố gắng thực hiện và "vững như kiềng ba chân nhé".

2. Thực hiện từng bước: Để đạt được mục tiêu sẽ rất chông gai và bạn cần kiên trì, không bỏ cuộc, thực hiện từng bước. Bạn không thể nào chỉ 1 lần nhảy mà có thể từ dưới cần cầu thang lên đỉnh cầu thang. Và nếu có, nếu đạt được cũng rất nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra cho chính bạn. Vậy thì, chậm mà chắc. Bạn thực hiện từng bước để đạt mục tiêu đề ra nhé.

3. Không ngại học hỏi: Quá trình thực hiện mục tiêu, có thể bạn gặp khó khăn và không thể một mình bạn có thể làm được các công việc khác nhau. Vậy thì, bạn cần hỏi để có những lời khuyên từ thầy cô, gia đình và những người đi trước. Bạn đừng ngại vì hỏi cũng chính là đang học. Không ai có thể biết và tự giải quyết được tất cả mọi thứ trên đời này và bạn cũng vậy.

4. Khát khao chiến thắng: Mục tiêu bạn đặt ra và bạn cần thực hiện kế hoạch với tinh thần tích cực, có động lực rõ ràng, cũng như hy vọng sẽ thành công. Thiếu khát khao, bạn thực hiện công việc uể oải, thì không thể có thành công cho chính bạn.

5. Tin vào bản thân: Chính bạn đặt ra mục tiêu và cũng chính bạn là người hiểu rõ nhất về bản thân. Cho nên, bạn hãy "tin vào chính mình". Tin rằng, bạn sẽ về đích. Bạn cũng nên tin rằng, mọi việc sẽ giãi quyết được nếu bạn có quyết tâm.

6. Tạo động lực: Thực hiện công việc, bạn phải có động lực, có quyết tâm. Nếu chỉ "làm cho có" thì sẽ không bao giờ bạn đạt được kết quả như mong muốn. Khi có niềm tin vào bản thân, có sự thúc ép và có cả quyết tâm thì thành công sẽ đến với bạn trong tương lai gần.

7. Hành động: Bạn đừng bao giờ trì hoãn. Thời gian cho bạn hay cho bất kỳ ai cũng chỉ có 24 giờ trong 1 ngày. Bạn không hành động, trong khi người khác tiến lên mỗi ngày, thì chính bạn đang lùi lại. Xã hội, cuộc sống và công việc luôn vận động trong từng phút giây. Bạn còn trẻ, tại sao phải dừng lại khi hoàn toàn có thể tiến lên.

Cố gắng bạn nhé, thành công sẽ đến. 

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

THIẾT LẬP MỤC TIÊU HỌC TẬP

Trong rất nhiều việc, bạn cần có mục tiêu. Bởi vì, bạn không thể chỉ làm cho có hoặc làm cho vui. Khi bạn có mục tiêu, bạn sẽ hướng đến mục tiêu đó và cố gắng để đạt. Đạt được mục tiêu, bạn thành công.

Vậy mục tiêu là gì? Bạn có thể hiểu, đó là đích đến mà chính bạn đặt ra cho chính bạn. Mục tiêu trong từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng giai đoạn. Có thể, bạn cũng đã nghe và thường nói về "mục đích". Tuy nhiên, mục đích thường rộng hơn, chung chung hơn và bao quát hơn mục tiêu.

Học là 1 việc quan trọng. Và trong học tập, bạn cần xây dựng mục tiêu. Bởi vì, học để làm. Và để làm được thì cần học tốt, có mục tiêu tốt, chứ không chỉ học cho biết hoặc học rồi để đó.

Vậy, thiết lập mục tiêu như thế nào?

1. Mục tiêu cần phải cụ thể (Specific): Bạn cần có mục tiêu cụ thể. Có nghĩa là, bạn không viết chung chung, mơ hồ. Trong học nghề, càng cụ thể, càng tốt. Học nghề để tạo ra sản phẩm, giải quyết các công việc thực tế, chứ không phải bạn viết văn. Cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn, để mục tiêu của bạn xây dựng như là "kim chỉ nam", hướng bạn về đến đích.

2. Mục tiêu cần phải đo lường được (Measurable): Mục tiêu bạn xây dựng có gắn liền với kết quả cụ thể mà bạn mong muốn hay không? Mục tiêu trong học tập, khi bạn xây dựng, cần gắn với điểm số, vối các con số cụ thể. Đó không phải là chạy theo thành tích mà là mốc, là đích mà bạn mong muốn, đặt quyết tâm để đạt được.

3. Mục tiêu cần phải khả thi (Achievable): Chính bạn là người biết rõ năng lực, khả năng của bạn. Vì vậy, bạn xây dựng mục tiêu cần vừa sức với chính bạn để có thể thực hiện được, bạn nhé. Bạn không nên đặt ra mục tiêu quá cao so với năng lực của bạn, vì như vậy, khó mà đạt được. 

4. Mục tiêu cần phải thực tế (Realistic): Khi thiết lập mục tiêu, bạn cần phải "thực tế". Mục tiêu trong học nghề của bạn là gì? Đó có phải là cần có kỹ năng nghề (tay nghề) để sau này không thất nghiệp? Hay là bạn đang học nghề, nhưng mục tiêu lại là bay vào vũ trụ? Ai cũng có ước mơ và ước mơ ấy cũng không tốn tiền, nên bạn cứ ước và mơ. Tuy nhiên, trước hết cần có mục tiêu để thực hiện từng bước. Ước mơ sẽ thành hiện thực khi bạn có mục tiêu cụ thể.

5. Mục tiêu cần phải giới hạn thời gian (Timely): Bạn không thể xây dựng mục tiêu mà thiếu thời gian để thực hiện và hoàn thành. Bạn cần có thời gian để thực hiện các công việc. Thời gian cũng chính là "sức ép" để bạn phải làm. Nếu không có thời gian, bạn sẽ làm mãi mãi hoặc không làm gì và không bao giờ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Mục tiêu của bạn khi xây dựng, cần phải "thông minh" (SMART) nhé. 

Bạn xem Video Clip tại đây.

PHƯƠNG PHÁP HỌC Ở TRƯỜNG NGHỀ

Khi thực hiện bất kỳ việc gì, bạn đều cần có phương pháp. Và, trong học tập cũng vậy, cho dù bạn học ở trường phổ thông, trường nghề hay trường đại học. 

Phương pháp là cách thức, là con đường để thực hiện, giải quyết 1 công việc nhằm có thể thành công trong tương lai. Và, phương pháp học tập là cách bạn học để đạt được hiệu quả.

Học ở trường nghề, chắc chắn là khác so với học ở trường đại học và phương pháp học ở trường nghề cũng sẽ khác so với phương pháp học ở trường đại học.

Khi học, mỗi người lại có 1 cách học khác nhau, không ai giống ai. Bởi vì, mỗi người là 1 cá nhân khác nhau. Và cho dù, học bằng cách nào, nhưng đạt được hiệu quả là thành công.

Bạn cần lưu ý:

1. Học hiểu: tức là, khi học, bạn cần tập trung để hiểu bài ngay trên lớp. Học nghề, bạn cũng học lý thuyết và vì vậy, hiểu bài để bạn có thể áp dụng khi thực hành, thực tập. Nếu bạn không hiểu, bạn cần tương tác ngay với giảng viên. Thầy cô sẽ rất vui khi bạn tương tác, đặt câu hỏi. Bạn biết, bạn chưa hiểu chỗ nào và nêu được câu hỏi cũng là thành công rồi. Hỏi để được trợ giúp, bạn nhé. Thời gian của bạn cũng chỉ có 24 giờ trong 1 ngày. Cho nên, bạn hiểu bài thì không phải tốn thêm thời gian để học khi về nhà. Thời gian còn lại, bạn sẽ giải quyết được nhiều việc khác.

2. Học hỏi: bạn không thể hiểu hết nên cần hỏi bạn bè, thầy cô. Như vậy, để học tốt và hiệu quả thì không chỉ học mà còn phải hỏi. Hỏi để rõ những điều đang còn thắc mắc. Hỏi để hiểu thêm, hiểu sâu về 1 vấn đề. Hỏi cũng là cách bạn đang tư duy.

3. Học hành: "Học đi đôi với hành" và thực hành, thực tập chính là áp dụng lý thuyết (kiến thức) để giải quyết công việc. Từ đó, kỹ năng (tay nghề) được hình thành. Nếu bạn chỉ học lý thuyết thì chưa đủ vì thực tế là những "bài toán" cần bạn giải để có kết quả. Học hành là hoạt động rất cần thiết trong trường nghề và khi học nghề, bạn cần học, thực hành, thực tập để thành công trong tương lai.

4. Tự học: Thế kỷ 21 và thời đại 4.0, khi mà kiến thức, công nghệ,...liên tục được cập nhật, thay đổi thì việc tự học có vai trò rất quan trọng. Những gì bạn học được ở trường nghề là rất cơ bản. Vì vậy, bạn cần tự học khi thấy chính bạn còn thiếu rất nhiều. Tự học để bổ sung, để phát triển bản thân. Bạn luôn là người hiểu rõ chính bạn. Cho nên, bạn biết bạn đang thiếu những gì, cần phải học tiếp để làm được việc. Học để đáp ứng các yêu cầu, bạn nhé. 

Học, học nữa, học mãi và bạn cần học suốt đời với phương pháp đúng để không bị tụt hậu.

Bạn xem Video Clip tại đây.

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

HỌC NGHỀ, TẠI SAO KHÔNG?

Bạn phân vân, không biết nên học đại học hay học nghề? 

Bạn có quyền chọn học đại học và cũng có quyền chọn học nghề, nếu bạn muốn.

Và, hiện nay, học nghề đang là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ. Học nghề xong, bạn cũng có thể học tiếp lên Đại học. Như vậy, vừa giải quyết được yêu cầu việc làm (khi bạn có kỹ năng nghề tốt) và vừa giải quyết được bằng cấp (nếu bạn cần có 1 tấm bằng Đại học).

1. Học nghề, bạn sẽ được thực hành và thực tập nhiều. Phải khẳng định như vậy với bạn. Nhưng, nhiều là bao nhiêu? Bạn có khoảng 80% thời gian của khóa học để thực hành và thực tập, cộng với 20% thời gian để học lý thuyết. Trong khi đó, nếu bạn học đại học, thì thời gian này sẽ ngược lại. Tức là, bạn chỉ có khoảng 20% thời gian để thực hành, thực tập. 80% thời gian còn lại, bạn sẽ học lý thuyết. Đơn giản như vậy và chọn học nghề hay không là quyết định của bạn.

2. Học nghề, bạn có thể học thêm văn hóa THPT, nếu bạn có nhu cầu. Tại trường nghề, bạn có thể học thêm văn hóa THPT. Và học thêm văn hóa THPT, bạn có thể nhận bằng THPT (nếu bạn thi đậu). Thời gian học ngắn, vì bạn học song song, vừa học nghề, vừa học văn hóa. Tốt nghiệp văn hóa và tốt nghiệp nghề, bạn đủ điều kiện để đi làm. Quan trọng nhất là quyết tâm của chính bạn. Nếu bạn không muốn học văn hóa thì chỉ học nghề thôi và bạn cũng đi làm, có thu nhập tốt.

3. Học nghề, bạn sẽ có nhiều thời gian để thực tập. Hiện nay, doanh nghiệp và trường nghề có gắn kết với nhau. Nếu học nghề, chắc chắn bạn sẽ đi thực tập ở doanh nghiệp, chứ không chỉ thực hành tại trường. Mỗi chuyến đi, sẽ là 1 trải nghiệm cho chính bạn. Ngoài việc được làm để có thêm kỹ năng thì bạn còn được học thêm văn hóa giao tiếp, ứng xử, kết nối với những kỹ sư, công nhân ở doanh nghiệp. Không những thế, bạn còn được doanh nghiệp hỗ trợ rất nhiều: chi phí đi lại, chỗ ở, ăn uống và nhận thù lao khi bạn làm việc cho doanh nghiệp (dù là thực tập). Sau thực tập, doanh nghiệp sẽ mời bạn làm lâu dài, nếu như trong quá trình làm việc, bạn làm tốt, có thái độ tích cực.

4. Học nghề, bạn có cơ hội học tiếp. Học nghề, không phải là con đường cuối cùng cho bạn đâu vì bạn có thể học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học. Nhiều người từng học nghề và giờ cũng có bằng cấp sau đại học. Bạn còn trẻ và không có gì phải vội. Đi chậm mà chắc. Chậm nhưng sẽ thành công.

5. Học nghề, bạn sẽ có kỹ năng nghề. Không có sao được khi mà bạn được thực hành và thực tập nhiều. Đây là điểm cộng lớn nhất của học nghề và doanh nghiệp cũng đang rất cần điều này từ người lao động. Doanh nghiệp không cần người chỉ nói suông mà không làm được gì.

Như vậy, NẾU HỌC NGHỀ, THÌ BẠN KHÔNG LO THẤT NGHIỆP

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN TRƯỜNG NGHỀ

Bạn đã xác định sẽ học nghề thì việc chọn trường nghề cũng không kém phần quan trọng so với việc chọn nghề. Trường nghề, dù đó là trường cao đẳng hay trường trung cấp thì cũng là nơi bạn sẽ học trong thời gian khoảng 2 đến 3 năm. Và, nếu bạn chọn đúng trường, thì nơi ấy không chỉ để bạn học tập, mà còn giao lưu, kết nối, tự học thêm được rất nhiều điều. Nếu bạn chọn một nơi học không phù hợp, bạn sẽ cảm thấy khó khăn và cho dù bạn có muốn thay đổi (học lại ở 1 ngôi trường khác), nhiều lúc chưa chắc bạn có thể làm được.

Để chọn 1 trường nghề, bạn cần chú ý những điều sau:

1. Trường công hay trường tư: Bạn cần tìm hiểu, trường bạn muốn học nghề là trường công lập hay trường tư thục. Không phải chỉ riêng trường Đại học, mà các trường Cao đẳng hoặc Trung cấp cũng có những trường tư thục. Và, điểm khác biệt lớn nhất giữa trường công và trường tư đó chính là học phí. Rất nhiều bạn, chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài của trường mà không tìm hiểu xem đó trường công hay tư. Học phí cao nhưng chất lượng chưa chắc đã cao, nên bạn cần lưu ý điều này. Bạn có thể hỏi thẳng để biết, còn nếu bạn "bỏ qua" thì sau này, khi biết, bạn cũng đã nộp khá nhiều học phí, không dễ dàng thay đổi.

2. Lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường: Bạn có thể vào trang Web của trường và tìm hiểu. Với một ngôi trường có bề dày lịch sử, lâu đời và truyền thống thì cũng là nơi đáng để bạn theo học. Dạy nghề rất cần đến kinh nghiệm của người thầy và học nghề, bạn cần học với những thầy cô đã có nhiều kinh nghiệm trong những ngôi trường giàu truyền thống. Chọn trường, bạn cần cân nhắc nhiều thứ chứ không phải chỉ dựa vào tên trường để quyết định.

3. Trang thiết bị của nhà trường: Học nghề khác với học Đại học, đó là điều chắc chắn. Nếu như học Đại học, bạn học ở giảng đường và thầy cô dùng bảng, phấn để chia sẻ thông tin với bạn. Thì, học nghề, bạn cần có trang thiết bị để thực hành, thực tập. Trường nào có nhiều trang thiết bị hiện đại, đồng bộ thì bạn nên chọn học. Thực hành để có kỹ năng. 

4. Tìm hiểu từ người đã học: Trên mạng xã hội, sẽ có những nhóm cựu học sinh - sinh viên của trường bạn muốn theo học. Bạn nên vào đó để tìm hiểu thêm thông tin về trường. Những anh chị đi trước sẽ chia sẻ thật với bạn về trường, về việc giảng dạy, về thầy cô. Có thông tin cụ thể, rõ ràng rồi thì bạn quyết định cũng đâu có muộn. Đừng "chọn đại" một trường để học cho có học, bạn nhé.

5. Thông tin về trường trên Internet: thời đại 4.0 và bạn có thể tìm thông tin của trường qua sự hỗ trợ của Google, của Internet. Việc này không khó. Các trường nghề hiện nay cũng có trang Web, có Facebook và đưa rất nhiều hoạt động của nhà trường để truyền thông về trường. Dù học nghề thì bạn cũng cần tham gia nhiều hoạt động khác ở trường. Và với một trường có nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, thú vị,...thì bạn nên chọn học.

Bạn cần chú ý những điều trên để chọn đúng trường cho bạn nhé. 

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

HỌC CAO ĐẲNG, CÓ PHẢI LÀ HỌC NGHỀ?

Từ lâu, đề cập đến việc học tập sau khi xong THPT, thường có 2 cụm từ "học Đại học", "học nghề". Học Đại học thì đã rõ với rất nhiều người. Nhưng, với học nghề, dường như vẫn còn mới với nhiều người, đặc biệt là với các bạn trẻ. Mới ở đây, có thể hiểu, do từ trước đến nay, nhiều người chỉ quan tâm đến Đại học và học Đại học. Cũng có thể, việc học nghề chưa được truyền thông mạnh mẽ nên ít người có thông tin.

Và, trong khi nghe tư vấn hướng nghiệp, nhiều bạn trẻ quan tâm đến học nghề cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực này. 

Ví dụ như, nên học Đại học hay học nghề? Chắc chắn, mỗi bạn trẻ sẽ có lựa chọn khác nhau. Bên cạnh đó, các bạn còn phải chịu tác động của gia đình. Có thể, bạn đã hiểu về học nghề nhưng gia đình không muốn bạn đi học nghề, mà muốn bạn học Đại học. Học nghề hay học Đại học đều có ưu điểm. Học gì để phù hợp với năng lực, sở thích, đam mê của chính bạn mới là quan trọng nhất.

Cũng có bạn, khi quan tâm đến học nghề, thường có câu hỏi: Học nghề có phải là học chính quy? Như vậy, có thể từ trước đến nay, bạn nghĩ, học nghề không phải là học chính quy nên có những băn khoăn, lo lắng và chưa đi đến quyết định để học. Trong thực tế, có rất nhiều hình thức để học nghề và phần lớn các bạn trẻ hiện nay đều học nghề với hình thức đào tạo là chính quy.

Thực tế hiện nay, nhiều bạn cũng thắc mắc khi không biết học cao đẳng thì có phải là học nghề. Chính xác là học nghề, nếu bạn học ở bậc cao đẳng. Bạn cũng có thể học nghề ở bậc trung cấp và học nghề ngắn hạn (thời gian dưới 1 năm). Học nghề ở bậc cao đẳng (bậc cao nhất hiện nay trong đào tạo nghề) thì bạn sẽ nhận bằng cao đẳng và có được kỹ năng nghề vững vàng.

Bạn cũng cần nên biết, điều kiện để học nghề. Không khó với bạn đâu nhé. Bởi vì, nếu bạn tốt nghiệp THPT thì bạn đã đủ điều kiện để đăng ký học cao đẳng. Còn nếu bạn chưa tốt nghiệp THPT thì bạn vẫn có thể học nghề ở bậc trung cấp. Và nếu như bạn không có bằng THPT hoặc THCS thì bạn vẫn có thể học nghề để nhận chứng chỉ (nếu như bạn từ 15 tuổi trở lên và đủ sức khỏe để đi học).

Lưu ý với bạn, học Đại học hay học nghề đều được, đều cần thiết và đều có việc làm, nếu như bạn học tốt, có năng lực tốt (năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm,...). 

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

HỌC NGHỀ - NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Bạn quan tâm đến học nghề và cũng có nhiều thắc mắc? Nếu có thắc mắc thì cũng rất bình thường vì bạn không thể hiểu hết, có đầy đủ thông tin và vì vậy, bạn cần đến sự tư vấn hướng nghiệp. 

Trong quá trình làm công tác tư vấn hướng nghiệp, thầy đã lắng nghe và trao đổi với rất nhiều bạn. Những thắc mắc của các bạn thường là:

1. Học nghề, có "bằng cấp 3" không? Ở đây, "bằng cấp 3" mà các bạn hỏi là bằng tốt nghiệp THPT. Chúng ta cần phân biệt rõ. Trường nghề (trường Cao đẳng, trường Trung cấp), có chức năng và nhiệm vụ chính là dạy nghề. Như vậy, học nghề tại các trường này thì sẽ nhận "bằng nghề", chứ không có bằng cấp 3 nào cả. Và khi nào thì có "bằng cấp 3"? Khi bạn học nghề và học thêm văn hóa THPT để sau này tham gia thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu thi đậu, thì bạn mới có "bằng cấp 3".

2. Chưa có bằng THCS, học nghề được không? Bạn hoàn toàn có thể học nghề nếu đã đủ 15 tuổi và đủ sức khỏe để học tập. Chưa có bằng THCS thì bạn học nghề ngắn hạn (thời gian ngắn) và nhận chứng chỉ đào tạo, rồi đi làm.

3. Khi học nghề, có phải học lý thuyết nhiều không? Chương trình đào tạo nghề có cả lý thuyết và thực hành, thực tập. Người học nghề phải học lý thuyết, nhưng không nhiều. Thời gian học lý thuyết thường chiếm khoảng 20% trong tổng thời gian của chương trình học. Thời gian còn lại, các bạn sẽ thực hành, thực tập để hình thành kỹ năng nghề (tay nghề).

4. Đang học THPT, có thể chuyển sang học nghề? Bạn hoàn toàn có thể. Nếu bạn chán khi phải học lý thuyết khá nhiều ở bậc THPT, thì bạn chuyển sang học nghề hệ trung cấp. 

5. Đang học Đại học, có thể chuyển sang học nghề? Bạn cũng hoàn toàn có thể và quyết định là ở chính bạn. Trong thực tế, nhiều bạn cũng học Đại học được 1 thời gian rồi chuyển sang học nghề vì chương trình đại học khá nhiều lý thuyết.

6. Có thể học nghề không, khi đã lớn tuổi? Từ 15 tuổi là tuổi tối thiểu để học nghề và không có quy định tuổi tối đa. Vì vậy, người học hoàn toàn có thể học nghề, nếu có nhu cầu.

7. Học nghề có được miễn, giảm học phí? Nếu vừa xong THCS và đi học nghề ngay trong năm tốt nghiệp THCS thì được miễn học phí học nghề. Ngoài ra, có những nghề được giảm 70% học phí. Thông tin cụ thể, bạn có thể trao đổi với trường, nơi bạn dự định theo học.

8. Khi học nghề, có được miễn hoặc hoãn nghĩa vụ quân sư không? Khi học nghề, người học được nhà trường cấp giấy xác nhận đang là HSSV của trường. Việc tạm hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sư là do hội đồng quân sự địa phương xem xét và quyết định.

9. Học nghề, có được đảm bảo việc làm? Hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần người đã tốt nghiệp từ các trường nghề, có tay nghề. Như vậy, việc làm rất nhiều, nếu có kỹ năng nghề tốt. Nhiều trường nghề hiện nay cũng cam kết việc làm cho người học.

10. Học nghề, có thể học tiếp hay không? Hoàn toàn có thể. Bạn có thể học liên thông khi bạn đáp ứng đủ các quy định hiện hành của trường mà bạn muốn học liên thông. Con đường học tập rất rộng mở.

Bạn nên tìm hiểu và hỏi thêm để vững tin với lựa chọn học nghề của chính bạn.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.