Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

KHI NÀO BẠN NÊN HỌC NGHỀ?

Học nghề là cần thiết, có ích và được chú ý trong thời gian gần đây. Nhưng, khi nào thì bạn nên học nghề?

1. Khi bạn vừa xong THCS, bạn đã có thể đăng ký học nghề ở hệ Trung cấp. Nếu có nguyện vọng học thêm văn hóa THPT, bạn cũng có thể đăng ký học và học song song với học nghề.

2. Khi bạn đã xong THPT và bạn đủ điều kiện để học nghề ở bậc Cao đẳng. Sau khi có bằng cao đẳng, bạn có thể học liên thông từ Cao đẳng lên Đại học.

3. Khi đang học THPT, bạn cũng có thể dừng lại để học nghề nếu như bạn cảm thấy không thể tiếp tục học các môn văn hóa THPT vì quá nhiều lý thuyết.

4. Khi đang học Đại học, bạn cũng có thể học nghề. Dừng Đại học vì cảm thấy không phù hợp và học nghề để có kỹ năng nghề.

5. Khi bạn đã tốt nghiệp đại học, nhưng không thể tìm được việc và...thất nghiệp. Vậy thì, học nghề để có việc làm là điều bạn cần nghĩ đến.

6. Khi bạn đã đi làm, nhưng vì thiếu kỹ năng nghề nên khó giải quyết công việc, thì bạn có thể học nghề để bổ sung sự thiếu hụt đó.

7. Khi bạn muốn khởi nghiệp, thì bạn cần có kỹ năng nghề. Khởi nghiệp sẽ dễ thành công nếu bạn tự tin, làm trong lĩnh vực đã được đào tạo.

Học không bao giờ là muộn và học nghề cũng vậy. 

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

QUYỀN LỢI KHI BẠN HỌC NGHỀ

Nếu học Đại học, bạn có những quyền lợi theo quy định hiện hành, thì khi tham gia học nghề, quyền lợi dành cho người học nghề cũng rất nhiều. Đó là:

1. Bạn được miễn hoàn toàn học phí học nghề nếu như bạn vừa xong THCS và tham gia học nghề ngay trong năm đó.

2. Khi học tại trường nghề, bạn được xác nhận là HSSV của trường để từ đó, có thể tạm hoãn / miễn nghĩa vụ quân sự.

3. Nếu gia đình bạn khó khăn, bạn có thể vay vốn từ ngân sách nhà nước để học tập. Bạn đừng lo việc phải dừng học vì khó khăn nhé.

4. Học nghề, bạn cũng có thể được cộng điểm trong xét tuyển hoặc thi tuyển, nếu như bạn thuộc đối tượng ưu tiên.

5. Hiện nay, nhiều nghề đang cần nhân lực chất lượng cao. Và, nếu bạn học những nghề này, bạn được giảm đến 70% học phí.

Tìm hiểu thêm để biết những quyền lợi dành cho bạn khi học nghề, bạn nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

VÌ SAO BẠN CHỌN SAI NGHỀ?

Bạn học nghề và 1 thời gian sau, bạn phải bỏ nghề đang học và học 1 nghề khác. Thậm chí, bạn không chỉ chọn sai nghề mà chọn sai cả trường để học. Vì sao bạn gặp vấn đề này?

1. Vì bạn không đọc, không hỏi, không lắng nghe. Thông tin về nghề, về học nghề,...hiện nay rất nhiều. Nhưng bạn không đọc. Khi bạn không biết, bạn thiếu thông tin thì bạn không hỏi và đã tự quyết định. Ngày càng có nhiều trường, nhiều thầy cô tư vấn, hướng nghiệp cho bạn. Và, vì bạn không lắng nghe, bạn quan tâm việc khác, để rồi, bạn chọn sai nghề.

2. Một "cái sai" nữa của bạn là bạn nghe theo bạn bè để học. Bạn "quên" rằng, bạn bè của bạn có sở thích khác bạn, đam mê khác bạn,...Mỗi người mỗi khác, nhưng lại học cùng nhau cho "có bạn có bè" và để rồi sau thời gian học, bạn phải dừng học.

3. Cũng có thể bạn học nghề do gia đình đã sắp đặt, thậm chí ép buộc. Như vậy là bạn đang học cho gia đình của bạn chứ không phải cho bạn. Để rồi, bạn thấy không phù hợp và phải mất rất nhiều thời gian học một nghề khác.

4. Bạn học nghề "hot"? Nghề "hot" những chắc gì đã phù hợp với bạn? Nghề "hot" nên có rất nhiều người học và cơ hội việc làm dành cho bạn không nhiều. Nhưng, liệu với nghề "hot" này, bạn có theo đến cuối khóa học hay không?

5. Học nghề nhưng bạn "chọn đại" và "học đại". Điều này, có thể bạn sẽ phải dừng lại vì sau thời gian học, bạn biết bạn đã chọn nghề "cho có" nên không phù hợp.

6. Chọn nghề để học gắn với đam mê, sở thích và phù hợp với năng lực của chính bạn. Bạn lưu ý điều này nhé để không phải hối tiếc sau này.

Mong bạn lắng nghe, cân nhắc để chọn được 1 nghề phù hợp.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

VÌ SAO BẠN NÊN HỌC NGHỀ?

Bạn được khuyên nên học nghề?

Bạn được tư vấn nên chọn học nghề thay vì học Đại học?

Bạn được gia đình động viên nên học nghề ngay khi vừa xong THCS?

Nhưng, có thể, bạn chưa hiểu vì sao bạn lại được khuyên như vậy. Này nhé, 

1. Gọi là học nghề nhưng không phải chỉ học nghề. Bạn có thể học nghề và học văn hóa THPT. Học nghề, bạn học thêm những kiến thức "mềm" như ngoại ngữ, tin học,...Tất cả đều rất cần thiết và bổ ích với bạn.

2. Học nghề đi kèm với "hành nghề". Có nghĩa là, bạn được thực hành, thực tập chứ không chỉ học lý thuyết suông. Học nghề, bạn có thể làm ra nhiều sản phẩm và ứng dụng vào thực tế.

3. Nếu chọn học nghề, bạn sẽ có thể tiết kiệm nhiều thời gian và tài chính. Học nghề, có thể 1,5 năm, bạn đã có bằng trung cấp và 2,5 năm để có bằng cao đẳng. Bạn có thể học tại địa phương nơi bạn đang sống.

4. Chọn học nghề, bạn không chỉ có thể làm việc cho doanh nghiệp, nhà máy mà còn có thể tự khởi nghiệp để tạo việc làm cho nhiều người khác.

Bạn nên chọn học nghề vì HỌC NGHỀ - KHÔNG LO THẤT NGHIỆP

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

HƯỚNG ĐI NÀO CHO BẠN, KHI ĐÃ XONG THCS?

Khi học xong THCS, bạn sẽ có rất nhiều hướng đi. 

1. Đó có thể là, bạn tiếp tục học lên THPT như nhiều bạn trẻ khác. Thêm 3 năm học ở bậc này, bạn có thể nhận bằng cấp 3, nếu thi đậu kỳ thi THPT.

2. Bạn cũng có thể học nghề và đủ điều kiện học nghề, khi bạn đã xong THCS.

- Hoặc là bạn chỉ học nghề, hệ trung cấp và sau 2 năm, bạn có thể nhận bằng Trung cấp.

- Bạn cũng có thể học nghề và học thêm văn hóa THPT (giảm tải). Và sau 2 năm, bạn có thể có được bằng Trung cấp và giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT.

- Ngoài ra, nếu bạn học nghề và học thêm văn hóa THPT (giáo dục thường xuyên), thì bạn sẽ có cơ hội nhận được bằng Trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT.

Khi vừa xong THCS, bạn đi học nghề ngay, bạn được miễn hoàn toàn học phí học nghề. 

3. Một số bạn trẻ, sau khi xong lớp 9, vì còn ham chơi, chán học, nên đã dừng hẳn việc học tập. Thầy không khuyên các bạn ở nhà hoặc đi làm lao động tự do khi còn quá trẻ. Bạn nên học tiếp, dù là học văn hóa hay học nghề, đều tốt cho bạn. 

Có nhiều hướng đi cho bạn sau khi xong THCS và thầy khuyên, bạn nên tiếp tục học để sau này không hối tiếc. 

Khi có bằng cấp, có trình độ, có tay nghề, bạn đi làm sẽ tốt hơn rất nhiều.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

HỌC NGHỀ ĐỂ NHẬN BẰNG CAO ĐẲNG Ở TUỔI 18

Tuổi 18, bạn có thể nhận được bằng Cao đẳng? Nghe có vẻ lạ? Nhưng, đó là sự thật. Nhiều bạn trẻ đã đạt như vậy và bạn cũng hoàn toàn có thể đạt như vậy. 

1. Nếu bạn học xong lớp 9, thì lúc này bạn đã 15 tuổi. Bạn đi theo con đường "truyền thống" là học THPT, thì đến 18 tuổi, bạn có thể nhận được bằng THPT. Bạn đủ điều kiện học cao đẳng và thời gian học thường từ 2,5 năm đến 3 năm. Như vậy, xong Cao đẳng, bạn ở tuổi 21.

2. Tuy nhiên, nếu bạn đi theo 1 "con đường" khác và cụ thể là đây, thì nhận bằng Cao đẳng ở tuổi 18 là bình thường. Đó là, bạn học xong THCS (ở tuổi 15), bạn đăng ký học trung cấp (2 năm). Ở tuổi 17, bạn có bằng Trung cấp. Nếu trong quá trình học trung cấp, bạn học thêm văn hóa THPT (học song song với học nghề) thì bạn có giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT. Lúc này, bạn đủ điều kiện học liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng và sau 1 năm, bạn hoàn thành Cao đẳng. Như vậy, 18 tuổi, bạn có bằng Cao đẳng.

Quan trọng nhất là cố gắng của chính bạn và bằng cấp sẽ có, thành công sẽ đến với bạn.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

KHÁC BIỆT GIỮA CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP

Bạn đã nghe nhiều đến việc học nghề?

Và bạn cũng nghe nhiều đến cụm từ "học Cao đẳng"; "học Trung cấp"?

Nhưng bạn chưa rõ, đâu là sự khác biệt giữa 2 hệ học "Cao đẳng" - "Trung cấp"?

Vậy thì, sau bài viết này, bạn sẽ hiểu được sự khác biệt đó.

1. Bạn muốn học Cao đẳng? Bạn cần có bằng THPT. Học cao đẳng, thời gian học thường từ 2 năm đến 3 năm. Bạn có khoảng 70% thời gian của khóa học để thực hành, thực tập. Sau khi tốt nghiệp, bạn nhận được bằng Cao đẳng. Bên cạnh đó, bạn được công nhận danh hiệu "Kỹ sư thực hành" (nếu học nghề thuộc lĩnh vực Kỹ thuật; Công nghệ). Danh hiệu "Cử nhân thực hành" sẽ ghi nhận cho bạn (nếu bạn học nghề thuộc mảng Kinh tế; Dịch vụ).

2. Bạn muốn học Trung cấp? Vậy thì, bạn cần có bằng THCS. Học trung cấp, thời gian học thường từ 1 năm đến 2 năm. Bạn cũng có khoảng 70% thời gian để thực hành và thực tập trong khóa học. Sau tốt nghiệp, bạn nhận được bằng Trung cấp. Nếu trong quá trình học, bạn học thêm văn hóa THPT thì bạn có thể nhận được bằng THPT hoặc giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT (nếu học văn hóa giảm tải). Từ đó, bạn có thể học liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng.

Học nghề không phải là "hết đường" mà có rất thuận lợi cho bạn ở hôm nay và mai sau.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

BẠN ĐƯỢC GÌ NẾU HỌC NGHỀ?

Có thể, bạn chưa biết, bạn sẽ được gì nếu học nghề. Và, đây là những lợi ích của học nghề. Nếu học nghề, có thể bạn sẽ đạt được. Đó là:

1. Bạn sẽ có kỹ năng nghề (tay nghề). Đây là "cái được" lớn nhất khi bạn học nghề. Và nếu có được kỹ năng nghề thì bạn không lo thất nghiệp.

2. Học nghề, bạn không chỉ được thực hành ở trường mà còn được thực tập tại doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có hỗ trợ lương và các khoản chi phí khác, khi bạn thực tập.

3. Trong quá trình học nghề, bạn có thể đăng ký học thêm văn hóa THPT. Nếu có được giấy xác nhận hoàn thành văn hóa THPT hoặc bằng THPT, bạn có thể đăng ký học liên thông lên cao hơn.

4. Tại trường nghề, bạn sẽ được học thêm kiến thức "mềm" như ngoại ngữ, tin học. Từ đó, bạn có kỹ năng mềm. Kỹ năng nghề cùng với kỹ năng mềm, bạn vững tin để làm việc.

5. Tốt nghiệp trường nghề, bạn sẽ có bằng trung cấp (nếu học trung cấp) hoặc bằng cao đẳng (nếu học cao đẳng). Bằng cao đẳng sẽ công nhận bạn đạt danh hiệu Kỹ sư thực hành hoặc Cử nhận thực hành.

6. Nhiều trường cam kết việc làm sau tốt nghiệp. Vì vậy, điều cần nhất là bạn cần học tốt. Bạn cũng có thể khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp từ trường nghề.

Học nghề - Bạn được rất nhiều. Và, bạn nên cân nhắc để học trong lĩnh vực này nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

HỌC NGHỀ CÓ KHÓ KHÔNG?

Bạn đang tìm hiểu về học nghề và cũng muốn biết học nghề có khó không?

Bạn cần có thông tin về học nghề để tư vấn cho người khác?

...

Và, nếu bạn hỏi học nghề có khó không thì thầy trả lời ngay với bạn là học nghề không khó. Bởi vì:

1. Nếu khó thì tại sao hàng triệu bạn trẻ chọn học nghề? Nhiều bạn vừa xong lớp 9 đã chuyển sang học nghề và nhiều bạn đậu Đại học "hot" nhưng lại đi học nghề. Đó là chưa kể khi ngày càng có nhiều bạn đang học Đại học nhưng bỏ và chuyển sang học nghề. Và, nhiều người dù đã lớn tuổi vẫn tham gia học nghề để có kỹ năng nghề (tay nghề).

2. Học nghề - bạn sẽ học lý thuyết nghề gắn với thực hành nghề. Nếu chỉ học lý thuyết chung chung, bạn sẽ cảm thấy chán nản nhưng khi lý thuyết đi cùng với thực hành, bạn sẽ giải quyết được nhiều điều. 

3. Khi học nghề, bạn có khoảng 70% thời gian để thực hành và thực tập. Bạn sẽ tìm thấy những thú vị khi được thực hành, thực tập. Điều quan trọng hơn cả là bạn có được kỹ năng nghề tốt để làm việc.

4. Nếu bạn học nghề, bạn sẽ làm việc theo quy trình. Nếu không học bài bản, bạn sẽ làm việc thiếu khoa học, không giải thích được "tại sao như vậy". Khi được học nghề, bạn sẽ trả lời được nhiều câu hỏi tại sao.

5. Khi thực tập, bạn sẽ gắn lý thuyết, quy trình vào thực tế công việc và có thể giải quyết được nhiều việc. Thực tập tại doanh nghiệp, bạn được nâng cao kỹ năng nghề và có thêm nhiều trải nghiệm.

6. Chọn học nghề, bạn sẽ được học nhiều kiến thức "mềm". Đó là: Ngoại ngữ; Tin học;...Và từ đó, bạn sẽ có thêm nhiều kỹ năng "mềm" để áp dụng vào công việc.

Nếu bạn chăm chỉ, quyết tâm, chịu khó,...thì bạn sẽ thành công khi chọn học nghề.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

HỌC NGHỀ LÀ HỌC NHỮNG GÌ?

Bạn dự định sẽ học nghề, nhưng không biết nếu học nghề thì sẽ học những gì? 

Nếu bạn học nghề ở bậc trung cấp hoặc cao đẳng, thì bạn sẽ học:

1. Các môn chung: Chính trị; Pháp luật; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng - an ninh; Ngoại ngữ; Tin học.

Đây là những môn bắt buộc nên bạn học nghề ở trường nào, ở tỉnh / thành phố nào tại VN, bạn đều phải học.

2. Lý thuyết nghề: những môn học lý thuyết liên quan đến nghề bạn đang học. Đây là những môn học bổ trợ, nền tảng để bạn có thể áp dụng vào thực hành, thực tập.

Lý thuyết chiếm khoảng 30% thời gian học của toàn khóa học và bạn không học lý thuyết lan man, chung chung mà là lý thuyết nghề.

3. Thực hành nghề: bạn sẽ được thực hành tại trường nghề và thực tập tại doanh nghiệp. Áp dụng lý thuyết, bạn thực hành và sẽ có kỹ năng nghề tốt.

Thực hành - chiếm khoảng 70% thời gian của toàn khóa học. Và, chỉ có thực hành, bạn mới có được kỹ năng (tay nghề). Từ đó, bạn tự tin bước vào thị trường lao động.

4. Học văn hóa THPT: nếu bạn vừa xong THCS hoặc chưa có bằng THPT, bạn muốn học văn hóa THPT thì tại trường nghề, ngoài học nghề, bạn có thể học văn hóa.

Học văn hóa THPT để sau khi có chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT hoặc bằng tốt nghiệp THPT, bạn có thể học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.

Học văn hóa và học nghề - Con đường học tập, cơ hội việc làm của bạn rộng mở.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ ĐỂ HỌC NGHỀ?

Bạn muốn học nghề nhưng chưa biết điều kiện cần và đủ để đăng ký học? 

Vậy thì, qua thông tin dưới đây, bạn sẽ biết chính xác.

1. Bạn cần có bằng THCS (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời THCS) khi bạn đăng ký học trung cấp. Nếu bạn đăng ký học cao đẳng thì phải có bằng THPT (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời THPT). Lưu ý với bạn, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời THCS hoặc THPT chỉ có giá trị 1 năm kể từ ngày ký. Trường hợp bạn mất những giấy tờ này, bạn có thể đến trường THCS hoặc THPT cũ để nhà trường xem xét, hỗ trợ. Nếu bạn chưa tốt nghiệp THCS, bạn vẫn có thể học nghề ngắn hạn (thời gian ngắn). Điều kiện ở đây là bạn từ 15 tuổi trở lên và đủ sức khỏe để học nghề.

2. Bạn cũng cần có học bạ THCS hoặc học bạ THPT. Nhiều trường nghề hiện nay, xét tuyển vào học nghề sẽ căn cứ vào điểm trong học bạ. Đó có thể là điểm trung bình chung các năm học THCS hoặc THPT. Ngoài ra, nhiều trường sẽ dựa vào đạo đức được ghi trong học bạ để công nhận bạn trúng tuyển hay không. Với những nghề đặc thù hoặc yêu cầu năng khiếu, nhà trường có thể tổ chức thi tuyển hoặc xét điểm thi tốt nghiệp THPT của bạn. Nếu bạn mất học bạ, bạn có thể đến trường THCS hoặc THPT đã học để được xem xét, hỗ trợ.

3. Bạn cần có những giấy tờ khác, như: Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của chính quyền địa phương, nơi bạn cư trú); Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để tham gia học nghề; Hình thẻ để lưu hồ sơ, làm thẻ HSSV; Bản sao có công chứng CMND hoặc/và bản sao, có công chứng hộ khẩu. Trong thời gian đến, việc giao dịch, thực hiện các công việc với yêu cầu phải có hộ khẩu sẽ bỏ. Khi đó, các trường nghề có thể yêu cầu bạn nộp các giấy tờ khác để chứng minh nhân thân và nhà trường lưu lại theo quy định, cũng như thực hiện các chế độ chính sách cho bạn.

4. Bạn cũng phải hoàn thiện 1 hồ sơ học nghề cho dù là đã đăng ký xét tuyển trực tuyến (online). Trong hồ sơ này, giấy tờ quan trọng nhất là Phiếu đăng ký dự tuyển vào Giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi trường sẽ có quy định riêng về hồ sơ và khi bạn học trường nào thì sẽ chấp hành các quy định của trường đó để đủ điều kiện xét tuyển và trúng tuyển. Các trường hiện nay đã hỗ trợ người học rất nhiều trong việc làm hồ sơ và bạn có thể nộp hồ sơ qua bưu điện, trực tiếp tại trường hoặc bằng nhiều hình thức khác. Tất cả vì người học là quan điểm của các trường nghề hiện nay.

Quan trọng nhất là bằng tốt nghiệp hoặc chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bạn nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

BẠN CẦN LÀM GÌ, KHI CHỌN HỌC NGHỀ?

Học là 1 việc rất quan trọng. Cho nên, bạn không nên quyết định ngay việc này. Vậy thì, bạn cần làm gì?

1. Bạn cần hiểu chính bản thân bạn. Bạn có đam mê nào? Bạn có sở thích gì? Học lực của bạn như thế nào? Bạn nên lưu ý, điểm trong học bạ của bạn chưa chắc đã phản ánh đúng năng lực của bạn. Bạn hiểu rõ bạn nhất và học cho chính bạn, nên bạn cần trả lời trung thực về chính bạn để áp dụng vào việc học tiếp.

2. Bạn nên đọc tin tức, tìm hiểu thông tin, tự tìm kiếm nghề và trường. Sẽ không ai làm thay bạn việc này và nếu có thì cũng không thể thay bạn để làm cả cuộc đời. Thông tin nhiều và bạn hãy dành thời gian để tìm, để đọc. Bạn có thể lên mạng xã hội cả ngày thì cũng có thể tìm thông tin để hiểu đúng, chọn nghề phù hợp.

3. Bạn không cô đơn trong học tập và bạn cũng không khó khăn vì bên cạnh bạn có người thân, thầy cô. Bạn cần hỏi, cần nghe tư vấn, hướng nghiệp từ người đi trước. Trải nghiệm của họ sẽ giúp bạn. Nhiều bạn ngại hỏi và không lắng nghe, để rồi, kết quả không có nhưng hậu quả thì nhiều. Lắng nghe không bao giờ là vô ích. 

4. Khi đã có thông tin, được tư vấn rõ ràng, hiểu bản thân và hiểu nghề thì giờ là lúc bạn quyết định chọn nghề, học nghề. Học ở thành phố lớn càng tốt và học ở tỉnh lẻ cũng sẽ thành công, nếu bạn cố gắng. Học nghề "hot" cũng được và học nghề "không hot" cũng sẽ có việc làm. Quan trọng là nỗ lực của chính bạn.

Lời khuyên: Dành thời gian tìm hiểu về nghề và lắng nghe tư vấn, để thành công, bạn nhé.

Bạn có thể xem Video Clip tại đây.