Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

ĐỂ KINH DOANH PHÁT TRIỂN

Khi đã có doanh nghiệp, việc sản xuất, kinh doanh đã ổn định, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đến việc phát triển cho doanh nghiệp, cho sản phẩm và dịch vụ. Mọi việc không thể mãi “bình bình”.

          Vậy, làm thế nào để công việc kinh doanh của bạn phát triển?

1. Tài chính:

Bạn cần có nguồn tài chính vững, ổn định và hơn nữa là dồi dào, có những cam kết hỗ trợ tài chính từ nhiều cá nhân tổ chức. Có như vậy, bạn mới có thể tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm, đầu tư cho các dịch vụ.

Khi có năng lực tài chính vững, bạn sẽ yên tâm suy nghĩ, tập trung vào những công việc khác. Từ đó, bạn sẽ có thêm nhiều thành công, doanh nghiệp của bạn sẽ tiếp tục phát triển.

2. Kinh nghiệm:

Bạn nên tiếp tục học hỏi, nghiên cứu, áp dụng để có những trải nghiệm và kinh nghiệm. Kinh nghiệm chỉ có được khi bạn học và làm, trải qua nhiều việc khác nhau và bạn cũng trưởng thành từ đó.

Nếu bạn thiếu kinh nghiệm, bạn phải mạnh dạn dấn thân vào thị trường để từ đó biết thêm nhiều điều. Khi bạn thiếu kiến thức, bạn cần học hỏi thêm. Bạn chưa có nhiều kiến thức về kinh doanh, bạn cũng phải học.

3. Đội ngũ:

Nếu bạn có 1 đội ngũ tốt, bạn sẽ thành công. Bởi vì, họ là những người cùng chí hướng, cũng xây dựng doanh nghiệp với hy vọng để doanh nghiệp không chỉ ổn định, mà còn phát triển.

 Bạn không thể làm 1 mình và làm tất cả mọi việc. Bạn cần người hỗ trợ. Nếu những người cùng làm với bạn trách nhiệm, tâm huyết, thì bạn sẽ không lo thất bại.

4. Mối quan hệ:

Sẽ ra sao nếu như bạn đơn độc trên hành trình khởi nghiệp? Sẽ như thế nào nếu như bạn cho rằng sản phẩm và dịch vụ của bạn cung cấp là tốt, nhưng lại không có khách hàng?

Khi bạn có những mối quan hệ tốt, họ có thể không mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của bạn. Nhưng, họ sẽ chia sẻ, truyền thông, hỗ trợ bạn để nhiều người biết đến. Thế kỷ 21, khi bạn có nhiều mối quan hệ tốt, bạn sẽ thuận lợi trong nhiều việc.

Ổn định được là tốt nhưng phát triển là điều tuyệt vời hơn cho doanh nghiệp của bạn. 

Bạn xem Video Clip tại đây.

TINH THẦN DOANH NHÂN

Hiện nay, Việt Nam đã có ngày “Doanh nhân Việt Nam” để tôn vinh người kinh doanh. Khởi nghiệp, kinh doanh,…được xã hội ủng hộ vì đã mang đến việc làm cho nhiều người, đóng góp vào sự phát triển của đất nước,…

          Nhiều người có thể trở thành doanh nhân và bạn cũng vậy. Nhưng, cũng không đơn giản vì doanh nhân cần có tinh thần thép, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức.

          Vậy, cụ thể, tinh thần doanh nhân là gì?

1. Chấp nhận rủi ro:

- Khi kinh doanh, bạn không phải lúc nào cũng gặp những thuận lợi và cơ hội. Những việc khác đều có khó khăn, rủi ro không lường trước được, thì kinh doanh cũng vậy.

- Rủi ro là điều bạn khó mà biết trước. Vì vậy, hãy chấp nhận và tìm cách vượt qua. Dịch cúm Covid-19 là rủi ro với rất nhiều doanh nghiệp và cũng không ai biết trước.

2. Vượt qua thử thách:

- Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Thách thức cũng là đang thử sức với bạn và khi bạn vượt qua được, bạn sẽ mạnh mẽ hơn.

- Nếu chỉ có chút khó khăn trước mắt và bạn dừng lại. Vậy thì, xem như bạn sẽ bỏ cuộc và công việc kinh doanh của bạn cũng thất bại.

3. Không sợ hãi khi thất bại:

- Có thất bại thì sẽ có thành công. Thất bại là cơ hội để bạn nhìn lại, bạn rút kinh nghiệm và bạn thực hiện công việc những lần sau được tốt hơn.

- Bạn không thể lường trước được tất cả những việc trong tương lai. Khi dấn thân, bạn có thể nhận thất bại nhưng bạn nên “đứng lên” và tiếp tục.

4. Suy nghĩ tích cực:

- Hãy lan tỏa tinh thần doanh nhân, tinh thần của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm đến với nhiều người.

- Khi bạn thành công, bạn sẽ là tấm gương sáng, làm nguồn cảm hứng cho nhiều người, cùng tiến lên, phát triển.

Nếu là doanh nhân, bạn sẽ là người đi đầu, vượt qua mọi khó khăn để có thể đến với bến bờ thành công trong tương lai. Bạn sẽ được ủng hộ nếu làm kinh doanh bằng cái tâm và trách nhiệm.

Bạn xem Video Clip tại đây.

10 BÍ ẨN CỦA KHỞI NGHIỆP

1. Mọi người đều có thể là doanh nhân:

Bạn còn đang là SV, bạn có thể khởi nghiệp và sẽ được gọi là doanh nhân. Người lớn tuổi cũng hoàn toàn có thể khởi nghiệp sau khi đã nghỉ hưu.

2. Bắt đầu khởi nghiệp với những gì đang có:

Với năng lực nghề nghiệp bạn đang có, bạn nên khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Thành công sẽ cao hơn vì ít nhất bạn có thể tự tin với chuyên môn của chính bạn.

3. Cần ý tưởng để giải quyết vấn đề:

Có ý tưởng thì mới nên khởi nghiệp và khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề cho chính bạn, cho khách hàng, cho xã hội.

4. Khởi nghiệp với chi phí có thể chấp nhận:

Bạn còn trẻ và có thể chưa có nguồn tài chính nhiều. Vậy thì, bạn nên khởi nghiệp với số vốn đang có. Dần dần, bạn có thể phát triển thêm.

5.  Ý tưởng phải được chia sẻ và phản biện:

Bạn nên nói lên ý định khởi nghiệp của bạn với gia đình, người thân. Bạn sẽ nhận được lời khuyên. Những lời khuyên ấy khách quan và có thể mang lại tiền cho bạn.

6. Cùng sáng tạo, cùng phát triển:

Nếu bạn có những nhân viên tốt, trách nhiệm, làm việc hiệu quả, doanh nghiệp của bạn sẽ thành công. Muốn đi xa, bạn hãy tìm người cùng chí hướng để đi cùng nhau.

7. Phải có kế hoạch kinh doanh:

Học tập, làm việc và trong cuộc sống, bạn cần có mục tiêu, kế hoạch. Nếu không, chính bạn đang “dò đường” để đi mà không biết sẽ đi về đâu.

8. Làm việc siêng năng:

Nếu làm chủ, bạn có thể sẽ phải làm nhiều hơn 8 giờ  / ngày. Bạn không thể đến nơi để 7 giờ sáng bắt đầu và ra về lúc 17 giờ chiều. Bởi vì, có rất nhiều việc cần đến bạn.

9. Hình thành tinh thần khởi nghiệp: dám vượt qua thử thách; chấp nhận thất bại; chịu áp lực, rủi ro;…Bạn đã có chưa?

10. Doanh nhân tạo tương lai: xã hội Việt Nam đang cần có thêm nhiều doanh nhân để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Bạn có nghĩ là bạn sẽ làm được?

Bạn xem Video Clip tại đây.

SUY NGHĨ ĐỂ KHỞI NGHIỆP

Để khởi nghiệp, bạn không chỉ cần đến vốn, ý tưởng mà còn phải suy nghĩ, tư duy rất nhiều. Có ý tưởng, có vốn là cần thiết. Nhưng, chưa đủ. Nếu “làm công, ăn lương”, bạn đã có chủ doanh nghiệp lo nhiều việc, thì khi làm chủ, bạn phải lo rất nhiều.

1. Suy nghĩ về thị trường:

- Thị trường hiện nay có phù hợp cho doanh nghiệp của bạn, sản phẩm và dịch vụ của bạn cung cấp hay không?

- Bạn cần tìm hiểu, dấn thân vào thị trường để có thông tin, biết nhiều điều và từ đó có sản phẩm / dịch vụ phù hợp.

- Thị trường có thể rất rộng lớn nhưng đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm / dịch vụ tương tự với doanh nghiệp của bạn. Vậy, “đất” nào dành cho doanh nghiệp của bạn?

2. Vấn đề:

- Sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp giải quyết vấn đề, “nỗi đau” nào cho khách hàng?

- Bạn mang những giá trị gì đến cho khách hàng? Hiện nay, khách hàng cần giải pháp và họ chi tiền để mua những giải pháp.

3. Công nghệ:

- Công nghệ liên tục thay đổi, phát triển nhanh chóng. Các doanh nghiệp khác đã đầu tư rất mạnh mẽ. Doanh nghiệp của bạn còn “non trẻ”. Vậy thì, bạn có thể tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng, bao bì, mẫu mã đẹp,…nếu dùng công nghệ cũ?

- “Chạy đua” theo công nghệ, bạn có đủ vốn để thực hiện?

4. Sản phẩm:

- Bạn không phải bán sản phẩm mà là bán dịch vụ, giải pháp cho người tiêu dùng. Bạn đem lại giá trị và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì bạn và doanh nghiệp sẽ “sống khỏe”.

- Bạn cũng cần lưu ý đến môi trường, chất lượng của sản phẩm và nên cải tiến, thay đổi sau khi đã lắng nghe, để sản phẩm / dịch vụ của bạn ngày càng hoàn thiện hơn.

Có tư duy, bạn sẽ “phát hiện” ra nhiều điều. Khi có tư duy, suy nghĩ, bạn sẽ có những đóng góp tốt cho thị trường, doanh nghiệp và xã hội

Hãy tư duy không ngừng và làm việc tích cực, bạn nhé.

Bạn xem Video Clip tại đây.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH KHI KHỞI NGHIỆP

Việc gì cũng cần có kỹ năng và khởi nghiệp để thành công, bạn cũng cần có kỹ năng quản lý tài chính tốt. Và, để quản lý tài chính tốt, bạn cần lưu ý:

1. Ghi lại thu chi hàng ngày:

- Bạn không thể nhớ hết các hoạt động trong ngày và cho dù có nhớ thì nếu không ghi, bạn sẽ quên sau 1 tuần, 1 tháng.

- Ghi lại cũng là cách làm việc khoa học. Bạn cần có sổ sách, giấy tờ vì bạn là chủ doanh nghiệp thì cần phải quản lý khoa học.

2. Phân biệt tài chính doanh nghiệp và tài chính gia đình:

- Bạn không nên lẫn lộn vì thu chi cho gia đình, chi tiêu hàng ngày cho cá nhân,…phải khác với chi phí, thu chi của doanh nghiệp.

- Nếu bạn nhầm lẫn, có thể bạn nghĩ rằng lợi nhuận nhiều, nhưng lại không có.

3. Trả lương cho chính bạn:

- Bạn từ bỏ làm thuê để làm chủ. Vậy thì, bạn phải nhận được mức lương xứng đáng. Nhiều bạn khởi nghiệp đã quên mất điều này.

- Nếu bạn khởi nghiệp và bạn chỉ làm “không công” thì lợi nhuận có được, chưa phải là lợi nhuận của doanh nghiệp, do chưa tính lương cho chính bạn.

4. Lợi nhuận:

Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

- Bạn có thể xem lại các bài trước để có thêm thông tin về doanh thu, chi phí và các thông tin khác.

- Dù lợi nhuận có ít, hay không như mong đợi thì đó cũng là 1 thành công. Bởi vì, khởi nghiệp rất khó khăn và không phải muốn có lợi nhuận là có ngay.

Là chủ doanh nghiệp, bạn cần có kỹ năng quản lý tài chính. Nếu chưa, bạn phải học học và học.

Không ai có thể 1 lúc làm nhiều việc, biết được nhiều điều và thành công trong mọi lĩnh vực. Nhưng, không vì bất cứ lý do gì mà bạn dừng lại. Nếu dừng lại có nghĩa là bạn bỏ cuộc.

“Sức khỏe” của 1 doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố và trong số đó, tài chính đóng vai trò quan trọng nhất.

Bạn xem Video Clip tại đây.

CHI PHÍ, GIÁ BÁN, DOANH THU, LỢI NHUẬN

Để khởi nghiệp, bạn không chỉ cần đến ý tưởng. Bạn phải làm rất nhiều việc để có thể có lợi nhuận. Như vậy, năng lực chuyên môn nghề nghiệp của bạn chưa đủ. Bạn có thể phải là nhà kinh tế, người làm kế toán, người chăm sóc khách hàng,…

Muốn có lợi nhuận, bạn phải có khách hàng. Nhưng, để có khách hàng thì ngoài việc chăm sóc khách hàng, lắng nghe khách hàng, đáp ứng được những yêu cầu, mang lại giá trị cho khách hàng,…thì giá cả sản phẩm / dịch vụ cũng phải hợp lý.

          Bạn cần lưu ý những điều gì?

1. Chi phí:

- Chi phí lao động: bởi vì, không ai có thể làm không công mà bạn làm chủ thì bạn phải chi trả lương, thưởng cho công nhân, nhân viên.

- Chi phí nguyên vật liệu: để có sản phẩm thì phải cần đến nguyên vật liệu và như vậy, bạn cần phải chi tiền để mua.

- Chi phí tiêu thụ nguyên liệu: tiền điện, nước, gas,…hàng tháng

2. Giá bán lẻ: để có được giá bán lẻ, bạn cần lưu ý công thức:

Giá bán lẻ = Giá vốn + (Giá vốn x % lợi nhuận mong muốn).

Lợi nhuận mong muốn của bạn cho sản phẩm có thể là 10%, 20%. Nhưng, nếu bạn mong muốn có đến 90% lợi nhuận thì không những khó mà đạt được, bạn còn có thể phải phá sản doanh nghiệp.

Giá vốn = Chi phí tạo sản phẩm + Chi phí bán hàng + Chi phí quản lý

3. Doanh thu: doanh nghiệp của bạn cần có doanh thu. Muốn có doanh thu thì chắc chắn phải cần đến khách hàng, hợp đồng và khách hàng phải mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.

 Doanh thu = Giá trị sản phẩm bán ra x Số lượng hàng bán + Các khoản thu khác

Các khoản thu khác ở đây có thể là tiền bạn được nhận do doanh nghiệp khác trưng bày thêm hàng hóa ở cửa hàng tạp hóa của bạn.

4. Lợi nhuận: mong muốn lớn nhất của hầu hết những người khởi nghiệp là lợi nhuận. Vì vậy, để có lợi nhuận, doanh thu của doanh nghiệp phải lớn hơn chi phí.

Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

Bạn nên cân nhắc, tính toán thật kỹ để khởi nghiệp, bạn nhé.

Bạn xem Video Clip tại đây.

TẠO DOANH THU KHI KHỞI NGHIỆP

Khởi nghiệp, kinh doanh và bạn cần có doanh thu, lợi nhuận. Nếu không, doanh nghiệp của bạn sẽ “chết”.

          Vậy, làm sao để có được doanh thu khi khởi nghiệp?

1. Không miễn phí: nhiều người khi bắt đầu kinh doanh, hay cung cấp sản phẩm miễn phí cho nhiều đối tượng khác nhau. Việc này, không hẳn bạn sẽ có được khách hàng nhiều, mà có khi còn bị đánh giá là sản phẩm “không ra sao” nên mới miễn phí.

Chưa kể, bạn còn phải chi quá nhiều tiền để làm sản phẩm và phát miễn phí mà không thu lại được gì nhiều.

2. Chất lượng: dù là sản phẩm hay dịch vụ thì nó đều cần có chất lượng. Khách hàng cũng quan tâm đến chất lượng khi mua, khi sử dụng. Chất lượng phải là ưu tiên hàng đầu khi bạn kinh doanh.

3. Lắng nghe: bạn nên lắng nghe người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và trên hết là khách hàng góp ý về sản phẩm, dịch vụ. Chỉ có quý, có thương, mới đóng góp ý kiến để bạn và doanh nghiệp của bạn hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ.

Nếu bạn tự cao hoặc tự ti, bạn sẽ thất bại vì cho rằng doanh nghiệp của bạn là số 1, sản phẩm và dịch vụ của bạn là tốt nhất.

4. Đơn hàng: dù thế nào thì bạn cũng cần những khách hàng và có những đơn hàng để doanh nghiệp của bạn tồn tại, phát triển. Đó là những cam kết, hợp đồng chứ không chỉ đến xem sản phẩm và…ra về.

5. Chấp nhận thất bại: kinh doanh không chỉ có thành công, dù ai cũng muốn điều đó. Dấn thân vào con đường kinh doanh thì bạn cũng nghĩ sẽ có ngày thất bại. Thất bại, không phải do bạn yếu kém, mà có thể vì các thành tố bên ngoài ảnh hưởng đến.

Bạn cần chấp nhận thất bại, nếu có, và làm lại. Nếu bạn chỉ u buồn thì cũng không thể giải quyết được gì.

6. Kế hoạch:

Nếu bạn kinh doanh mà mục tiêu và kế hoạch đều không có, thì doanh nghiệp của các bạn sẽ không biết đi về đâu, sẽ như thế nào trong tương lai gần.

Bạn cần kinh doanh, làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, vì ngoài công sức, vốn,…bạn đã chi ra, bạn còn có nhiều người đang cùng bạn làm việc. Nếu chỉ xem kinh doanh là một thời gian để dạo chơi, thì thật sự bạn không thể thành công, vì không có khách hàng, cũng không lợi nhuận.

Hãy bắt đầu kinh doanh, khởi nghiệp, thật nghiêm túc, bạn nhé.

Bạn xem Video Clip tại đây.

VÌ SAO KHÁCH HÀNG MUA ONLINE?

Hiện nay, kinh doanh online (trực tuyến) khá phổ biến ở Việt Nam. Một cửa hàng nhỏ cũng thực hiện buôn bán online. Nhiều công ty lớn cũng tăng cường khuyến khích khách hàng mua sắm online với nhiều ưu đãi.

          Khi khởi nghiệp, bạn nên chú ý đến việc này, cho dù doanh nghiệp của bạn mới “ra đời”. Và, bạn cũng cần phải biết vì sao khách hàng thích mua online để từ đó có chiến lược trong kinh doanh online.

1. Giá, ưu đãi, khuyến mại:

Nếu bạn mua 1 cuốn sách trên các trang online, bạn sẽ thanh toán ít tiền hơn so với mua trực tiếp tại nhà sách. Có lẽ, kinh doanh online không phải chi trả tiền thuê mặt bằng nên có giá bán thấp hơn.

Bên cạnh đó, khi mua sắm online, bạn có thể mua các sản phẩm thứ 2, 3, 4 với giá rẻ. Ngoài đó, bạn còn có thể tham gia các chương trình khuyến mãi và nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn. Trong tình hình dịch Covid-19, mua sắm online được khuyến khích.

2. Dễ mua: bạn có thể chọn sản phẩm bất kỳ lúc nào và đặt mua để nhận hàng sau đó vài ngày. Bạn không cần phải phụ thuộc vào thời gian mở cửa của cửa hàng. Đó chính là ưu điểm mà nhiều người thích.

3. Phí giao hàng thấp: có thể, bạn không cần phải trả thêm phí giao hàng hoặc phí rất thấp và được nhận sản phẩm tại nhà. Chính vì điều này, khách hàng rất thích mua sắm online. Giá cả thấp hơn mua trực tiếp vài ngàn thì cũng đã có thể thu hút khách hàng.

4. Thông tin cụ thể về sản phẩm: khi mua sắm online, bạn có thể dễ dàng xem các thông tin, cũng như xem được các đánh giá, nhận xét về sản phẩm của người đã mua.

Từ đó, bạn sẽ ra quyết định có nên mua sản phẩm hay không. Nếu mua trực tiếp, sẽ không ai nói cho bạn biết sản phẩm như thế nào vì bạn không biết ai đã mua.

5. Sản phẩm phong phú:

Trên các sàn giao dịch điện tử, khách hàng có thể mua rất nhiều sản phẩm khác nhau. Lúc đầu, có thể họ không mua, nhưng vì thấy các sản phẩm hấp dẫn, bắt mắt nên quyết định chi tiền.

Là khách hàng, nhiều lúc bạn chưa nghĩ sẽ mua sản phẩm cụ thể nào. Nhưng rồi, bạn quyết định mua khi tìm được sản phẩm ưng ý trên sàn giao dịch điện tử.

Là người kinh doanh, bạn cần phải biết hành vi mua hàng của khách hàng. Để từ đó, bạn chuẩn bị kinh doanh online và khi kinh doanh sẽ đem lại lợi nhuận cho chính doanh nghiệp của bạn.

Mua sắm online đang là xu hướng, bạn không thể đứng ngoài cuộc. 

Bạn xem Video Clip tại đây.

VÌ SAO KHỞI NGHIỆP THẤT BẠI?

Khởi nghiệp không chỉ có thành công. Chắc bạn đã nghe nhiều. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp rồi thất bại nhiều hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp thành công.

          Và, nếu bạn chuẩn bị khởi nghiệp, bạn cũng nên biết những nguyên nhân dẫn đến khởi nghiệp bị thất bại. Bạn biết đến tránh, để lường trước và để không mắc phải những sai sót này.

1. Thiếu kinh nghiệm:

Nếu chưa có kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm còn ít, bạn cần cân nhắc thật kỹ, có nên khởi nghiệp hay không. Nếu chưa, bạn tiếp tục làm thuê, để thu thập và tích lũy những kinh nghiệm cho chính bạn.

Năng lực nghề nghiệp bạn có là chưa đủ. Bởi vì, bạn cần đến nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, chăm sóc khách hàng,…Không những thế, bạn còn cần đến kỹ năng giao tiếp và rất nhiều năng lực khác nữa.

2. Thiếu tập trung:

Nếu bạn đang có quá nhiều việc nhưng lại muốn khởi nghiệp ngay thì cần xem lại. Một ngày, bạn chỉ có 24 giờ. Khi bạn làm việc ngày thì không thể nào toàn tâm, toàn ý để thực hiện việc kia. Đó là chưa kể, bạn còn phải nghỉ ngơi.

Khi không thể tập trung vào 1 việc, bạn khó hoàn thành chứ đừng nói đến việc hoàn thành xuất sắc. Khởi nghiệp không đơn giản và bạn cũng đừng “ôm” quá nhiều việc để rồi không hoàn thành việc nào.

3. Tình huống xấu:

Dịch Covid-19 là điều không ai muốn nhưng đã xảy ra và ảnh hưởng đến toàn thế giới. Mọi việc thay đổi chứ không riêng gì kinh doanh hay khởi nghiệp. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp,…đã phải đóng cửa, phá sản.

Và không chỉ có dịch bệnh mà nhiều tình huống khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bạn, dẫn đến thất bại. Bạn không thể biết trước mọi việc và chỉ có thể làm hết khả năng, trách nhiệm với hy vọng thành công.

4. Quá tự tin: khi bạn quá tự tin, có thể sẽ trở thành tự cao, tự đại. Lúc đó, bạn luôn cho rằng bạn đúng và không nghe lời khuyên của bất cứ ai. Rồi có 1 ngày, bạn…thất bại.

Mong bạn tỉnh táo, tập trung và xem khởi nghiệp là việc hệ trọng để cân nhắc trước khi bắt đầu. Để có được lợi nhuận trong kinh doanh, bạn không chỉ có nụ cười, niềm vui mà còn là nước mắt, nỗi buồn.

Bạn xem Video Clip tại đây.

HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ KHỞI NGHIỆP

Khi khởi nghiệp, bạn có rất nhiều việc phải lo. Đó là ý tưởng, liệu có khả thi hay không. Đó có thể là bao bì, sản phẩm, nên như thế nào. Đó cũng có thể là địa điểm để kinh doanh.

          Và, quan trọng hơn cả, đó là vốn. Bạn còn trẻ nên có thể chưa đủ tài chính để khởi nghiệp. Vì vậy, bạn cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn tài chính ổn định, bạn sẽ yên tâm để làm việc khác.

1. Huy động từ gia đình:

Gia đình có 1 vai trò cực kỳ quan trọng. Ba mẹ của các bạn luôn lo, nghĩ về các bạn và họ mong muốn các bạn thành công.

Để khởi nghiệp, bạn cần chia sẻ ý định này đến với ba mẹ của các bạn. Bạn nên trình bày lý do vì sao khởi nghiệp và cả mục tiêu, kế hoạch.

Khi đã hiểu, ba mẹ, anh / chị / em của bạn sẽ là người ủng hộ bạn về tinh thần, tài chính.

2. Huy động từ đoàn, hội:

Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ nơi bạn sinh sống cũng có quỹ để hỗ trợ cho người khởi nghiệp. Nếu như, bạn đã có kế hoạch rõ ràng thì đoàn / hội sẽ ủng hộ bạn khởi nghiệp.

Tài chính từ đoàn / hội là không nhiều và cũng là cần phải hỗ trợ cho nhiều dự án, ý tưởng khác. Vì vậy, bạn hãy sử dụng nguồn tài chính này đúng mục đích nhé.

3. Huy động vốn từ ngân hàng:

Ngân hàng chính sách xã hội hoặc nhiều ngân hàng khác cũng sẽ cho bạn vay với những điều kiện ràng buộc.

Quan trọng nhất, bạn cần có doanh nghiệp, có tài sản thế chấp hoặc được sự bảo lãnh để được giải ngân.

4. Huy động vốn từ bạn bè, đồng nghiệp:

Bạn bè, đồng nghiệp của bạn, sẵn sàng hỗ trợ cho bạn nếu như bạn đã có những tương tác và kết nối tốt.

Nếu bạn có những đồng nghiệp hoặc bạn bè tốt, thì ngoài việc hỗ trợ tài chính để bạn khởi nghiệp, họ còn đưa ra những lời khyên cho các bạn.

Bạn nên tận dụng các mối quan hệ và những sự hỗ trợ, trên hành trình khởi nghiệp.

Bạn xem Video Clip tại đây.

RỦI RO KHI KHỞI NGHIỆP

Khởi nghiệp, không chỉ toàn “màu hồng”. Bên cạnh thuận lợi, bạn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro. Không ai mong muốn điều này, kể cả bạn. Nhưng, đó là điều khó mà tránh khỏi và nhiều lúc, bạn cũng không thể lường trước được.

1. Rủi ro về vốn:

Bên cạnh ý tưởng khởi nghiệp, lòng đam mê, năng lực, trách nhiệm,…thì vốn để khởi nghiệp đóng 1 vai trò quan trọng.

Nếu có nguồn tài chính tốt, bạn sẽ tự tin, an tâm để tập trung chuyên môn, khởi nghiệp và tiếp tục đầu tư.

Có thể, bạn nhận được cam kết, lời hứa hỗ trợ về vốn. Nhưng, khi bạn cần đến, lại không nhận được sự hỗ trợ. Đó chính là rủi ro.

2. Rủi ro về công nghệ:

Công nghệ thay đổi nhanh chóng. Khi bạn thiếu vốn, bạn đầu tư trang thiết bị cũ, lạc hậu để khởi nghiệp. Như vậy, khó mà cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn khác.

Bên cạnh đó, bạn có thể mất đi khách hàng, vì sản phẩm của bạn chưa tốt do công nghệ chưa hiện đại. Khó khăn trong khởi nghiệp là ở đây.

3. Rủi ro về thị trường:

Thị trường cũng có nhiều biến động. Hôm nay khác, ngày mai đó. Đó là chưa kể về dịch bệnh. Dịch cúm Covid-19 đã tác động đến thị trường, đến kinh doanh quá nhiều.

Khi bạn còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm, bạn còn phải đối mặt về rủi ro rất nhiều.

4. Rủi ro về đội ngũ:

Nhân sự sẽ đóng 1vai trò quan trọng trong doanh nghiệp. Cho dù, bạn có vốn và năng lực, thì khởi nghiệp, bạn cần có người hỗ trợ.

Nếu nhân sự ổn và đi cùng bạn, doanh nghiệp bạn không những ổn định mà còn phát triển.

Ngược lại, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nhân sự trong đơn vị không ổn định và ngày càng khó khăn hơn khi phải lo việc này.

Bạn nên chú ý những rủi ro trên để phòng tránh khi khởi nghiệp. Phòng tránh vẫn tốt hơn, bạn nhé.

Bạn xem Video Clip tại đây.

RÀO CẢN KHI KHỞI NGHIỆP

Có thể, bạn đã nghe nói nhiều đến khởi nghiệp và cũng muốn khởi nghiệp. Và, cũng có thể, bạn có chuyên môn, được đào tạo bài bản, có năng lực. Đó là những thuận lợi. Nhưng, bên cạnh đó, sẽ có nhiều rào cản khi khởi nghiệp.

1. Không có nguồn tài trợ: ngoài ý tưởng khởi nghiệp rất quan trọng thì nguồn vốn để bạn thành lập doanh nghiệp, thực hiện các sản phẩm,…rất cần thiết cho chính bạn.

Bạn còn trẻ, vậy thì tiền đâu để bạn khởi nghiệp? Đã có ai hỗ trợ cho bạn kinh phí hay chưa? Bạn có thể vay mượn tài chính từ ai hay không, để khởi nghiệp?

Nhiều lúc, bạn mong muốn khởi nghiệp, nhưng, tài chính khó khăn đã cản trở bạn thực hiện việc này.

2. Thiếu hệ thống hỗ trợ:

Khi khởi nghiệp, có thể bạn sẽ phải một mình thực hiện mọi công việc. Như vậy, cực kỳ khó khăn và nhiều thách thức.

Nếu bạn tìm được những người cùng chí hướng, cùng mục tiêu và cũng hỗ trợ thì đó là thành công bước đầu.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, làm việc nhóm, làm chung cũng sẽ dễ xảy ra nhưng mâu thuẫn.

3. Chưa xác định được cơ hội:

Bạn muốn khởi nghiệp nhưng còn rất nhiều “mông lung”. Bạn chưa hình dung ra được khách hàng tiềm năng là ai; đâu là những phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, bạn cũng còn thiếu và yếu rất nhiều nên con đường khởi nghiệp của bạn sẽ có nhiều rào cản.

4. Không biết bắt đầu từ đầu: bạn không thể nghe nói về khởi nghiệp vào buổi sáng và buổi chiều, bạn khởi nghiệp. Bạn cần thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch và từng bước triển khai thực hiện.

Nếu không, bạn sẽ lúng túng và khởi nghiệp thất bại.

5. Chưa sẵn sàng bỏ việc: nếu bạn đang có công việc tốt mà lại muốn khởi nghiệp thì bạn sẽ phân vân. Không những thế, bạn còn gặp khó khăn, chịu tác động của gia đình vì rất ít gia đình sẽ ủng hộ để bạn từ bỏ công việc hiện tại.

          Nêu ra rào cản, không phải để bạn chùn bước mà là để bạn cân nhắc, lưu ý, thực hiện khởi nghiệp từng bước. Nếu dấn thân, bạn sẽ thành công vì không ai có thể cản trở được bạn, khi bạn có quyết tâm thực hiện.

Bạn xem Video Clip tại đây.

THÁCH THỨC VỚI DOANH NGHIỆP

Khi bạn có được 1 doanh nghiệp, hoặc 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thì đó chính là „đứa con“ của bạn.

          Bước vào kinh doanh là bước vào thương trường và nó cũng như „chiến trường“. Cho nên, cạnh tranh, thách thức sẽ rất nhiều, chứ không chỉ là những cơ hội.

          Vậy, đâu là những thách thức?

1. Thách thức trong việc bán hàng:

- Các doanh nghiệp “ra đời” trước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc bán hàng, tiếp thị, giới thiệu dịch vụ.

- Doanh nghiệp của bạn, nhân viên của bạn,…đã có kỹ năng bán hàng, giới thiệu dịch vụ hay chưa?

Bạn nên nghĩ rằng, bạn cần phải có, không những là khách hàng hiện tại, mà còn là khách hàng tiềm năng, và kể cả việc khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới.

2. Thách thức trong việc tạo mối quan hệ với khách hàng:

- Là chủ doanh nghiệp, nếu bạn lắng nghe khách hàng khen, khách hàng phàn nàn,…thì khách hàng mới nói thật với bạn về sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang cung cấp.

- “Cười – Chào – Cảm ơn” – nhân viên của bạn khi giao tiếp với khách hàng đã có chưa? Nếu chưa, khách hàng sẽ xem như họ đang đi “xin” và chờ doanh nghiệp ban phát.

Và, bạn nên nhớ, không có khách hàng, thì sẽ không có 1 doanh nghiệp nào tồn tại, chứ không riêng gì với doanh nghiệp bạn.

3. Kết nối để khách hàng quay lại:

- Đừng để khách hàng “một đi, không trở lại”. Có thể lúc đầu, khách hàng đến ủng hộ bạn, nhưng họ không thể mãi mãi ủng hộ bạn, nếu bạn không có gì mới, cũng không cải tiến và thậm chí là “chảnh” vì nghĩ đã có quá nhiều khách hàng.

- Xã hội công nghệ, bạn và doanh nghiệp của bạn không thể đơn phương hoạt động mà không có kết nối.

          Khách hàng cũng có người này, người kia và cũng có người làm bạn và nhân viên của bạn không hài lòng. Nhưng, kinh doanh không phải để khách hàng từ bỏ bạn, mà hãy tìm cách để khách hàng quay trở lại với doanh nghiệp của bạn, dù đó là khách hàng khó tính nhất.

Bạn xem Video Clip tại đây.

"NỖI ĐAU" CỦA CHỦ DOANH NGHIỆP

Khi bạn có doanh nghiệp hoặc 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì đó là thành công bước đầu trên con đường khởi nghiệp của bạn.

Nhưng, công việc kinh doanh của bạn không chỉ toàn là „màu hồng“. Và, nhiều người khác cũng vậy.

Trong kinh doanh, bạn cần đến khách hàng và trong bài này, bạn sẽ biết được mô hình AIDA. Đó cũng là „nỗi đau“ của người chủ doanh nghiệp.

Vì sao lại “đau“?

1. Attention (chú ý): khi bạn có sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn sẽ quảng cáo, truyền thông để nhiều người có thể biết đến. Đó là điều cần thiết. Và khi bạn chi tiền để quảng cáo, chắc chắn cũng sẽ có người chú ý. Vì sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn mới nên được quan tâm. Vì bạn đã tiếp cận được nhóm khách hàng tiềm năng. Khách hàng chú ý đến sản phẩm, dịch vụ và như vậy đã là thành công.

2. Interest (thích thú): nhiều khách hàng trong số các khách hàng chú ý đến sản phẩm / dịch vụ cảm thấy thích thú với sản phẩm / dịch vụ. Như vậy, số lượng người đã giảm. Đó chính là „nỗi đau“ của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp.

3. Desire (khát khao): nhiều người chú ý, thích thú nhưng số lượng người khát khao không nhiều. Vì nhiều lý do và đó lại tiếp tục là „nỗi đau“ của chủ doanh nghiệp.

4. Action (hành động): sẽ còn rất ít khách hàng chi tiền để mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Đó cũng là lý do vì sao bạn thấy rất nhiều người quan tâm, hỏi về sản phẩm, dịch vụ, nhưng doanh thu trong ngày, trong tháng vẫn không nhiều.

Ví dụ như thế này nhé, việc mua điện thoại Iphone

1. Mỗi khi Iphone chuẩn bị tung ra điện thoại mới, rất nhiều người chú ý.

2. Khi có thông tin rò rỉ về sản phẩm, nhiều người lại thấy rất thích thú.

3. Cũng có nhiều người khát khao sở hữu 1 chiếc Iphone mới.

4. Nhưng, cuối cùng, họ lại vẫn dùng điện thoại cũ vì có thể thấy thực tế sản phẩm không như họ mong muốn hoặc giá quá cao.

Doanh nghiệp và nhất là doanh nghiệp còn „non trẻ“, bạn phải chấp nhận thực tế này và tiếp tục đầu tư để có thêm nhiều khách hàng.

Bạn xem Video Clip tại đây.

MARKETING ĐA KÊNH

Marketing, tiếp thị, quảng bá dịch vụ và sản phẩm,...chắc chắn bạn không dùng một kênh. Vì, khách hàng của bạn cũng đang dùng rất nhiều kênh khác nhau.

1. Cửa hàng: đây là địa điểm kinh doanh và làm dịch vụ của doanh nghiệp bạn. Cho nên, bạn cần trưng bày, giới thiệu thật bắt mắt để thu hút khách hàng.

Một cửa hàng đẹp sẽ níu chân người đi đường và như vậy, sẽ có thể có thêm khách hàng cho bạn.

2. Website: sẽ thật khó tương tác và không chuyên nghiệp nếu doanh nghiệp của bạn không quan tâm đến việc đầu tư Website.

Đây là bộ mặt của doanh nghiệp và bạn cần đăng tin, viết bài, giới thiệu hình ảnh.

3. Điện thoại: tương tác với khách hàng qua điện thoại để tư vấn cũng là cách quảng cáo, truyền thông.

Tuy nhiên, bạn không nên quấy rầy người khác. Nếu có, số điện thoại của bạn sẽ bị nhà cung cấp chặn.

4. Mạng xã hội: bạn có thể dùng thêm Youtube, Zalo, Facebook để tương tác với khách hàng vì hầu như khách hàng nào hiện nay cũng dùng kênh này.

5. Tổng đài: khi doanh nghiệp đã ổn định, bạn nên có tổng đài chăm sóc khách hàng, tư vấn miễn phí.

6. Email: khách hàng cần thông tin và có thể cần giải thích, trao đổi, họ viết Email và doanh nghiệp của bạn cần có Email.

Không những thế, Email để quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

7. Ẩn phẩm: các siêu thị lớn, họ vẫn đang dùng các ấn phẩm để quảng cáo. Bạn cũng cần có tờ thông tin để giới thiệu.

8. Công cụ tìm kiếm: bạn cần chi tiền để quảng cáo doanh nghiệp và như vậy, khi người dùng quan tâm, họ tìm kiếm, doanh nghiệp của bạn sẽ ở trang đầu.

Tiếp thị đa kênh là xu hướng hiện nay. Cho dù là doanh nghiệp nhỏ, bạn cũng cần đầu tư.

Nếu bạn không quan tâm truyền thông, bạn không thể trách khách hàng không biết đến bạn và doanh nghiệp của bạn. Tiếp thị mọi kênh để khách hàng biết đến doanh nghiệp bạn.

Bạn xem Video Clip tại đây.

INTERNET GIÚP GÌ CHO DOANH NGHIỆP

Hiện nay, Internet đã rất phổ biến. Và, khi có Internet, bạn sẽ có thêm rất nhiều thông tin. Bạn biết đấy, hiện nay, nếu không có Wifi, không có mạng Internet, thì nhiều người (và trong đó có thể có bạn) sẽ „không biết sống sao“.

Kinh doanh, dịch vụ, bạn cần đến Internet để quảng bá. Bạn cũng cần để tìm kiếm thông tin và rất nhiều thông tin khác. Và, đâu là những lợi ích mà Internet mang lại cho doanh nghiệp của bạn?

1. Kết nối ngân hàng: chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ tín dụng,...bạn cần đến internet và thay vì phải đến ngân hàng để làm trực tiếp, bạn có thể thao tác mọi lúc, mọi nơi, để giải quyết nhanh chóng công việc.

2. Tìm kiếm thông tin: bạn cần tìm kiếm các xu hướng mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới không chỉ trong và ngoài nước, để học hỏi. Vậy thì, internet sẽ giúp bạn, nhanh chóng và dễ dàng.

3. Quản trị: quản lý và quản trị, bạn cũng cần đến internet. Bạn điều hành các công việc cũng vậy, không thể lúc nào cũng làm việc trực tiếp.

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, bạn không thể tập trung nhân viên để cùng làm việc. Làm nếu không có internet, công việc sẽ dừng, doanh thu không có.

4. Chuỗi cung ứng: doanh nghiệp của bạn cần nhà cung cấp nguyên vật liệu, cần rất nhiều sự kết nối với các doanh nghiệp khác, để tạo thành chuỗi. Vì vậy, nếu không có internet thì sao?

5. Marketing: tiếp thị online, „chạy quảng cáo”, truyền thông đa phương tiện,...tất cả đều cần đến internet.

6. Tuyển dụng: hiện nay, nhiều doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng online hoặc yêu cầu nộp hồ sơ trực tuyến. Đó cũng là cách để giảm thiểu ảnh hưởng môi trường do giấy in, mực in gây ra.

7. Thanh toán: rất nhiều khách hàng mong muốn thanh toán bằng thẻ. Bạn không đứng ngoài cuộc vì không có internet hoặc yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt.

8. Tư vấn: thực hiện hỗ trợ cho khách hàng online, 24/7 thì sẽ được khách hàng gửi niềm tin.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đã kết nối và khai thác lợi ích của internet để phục vụ và giải quyết nhu cầu của khách hàng. Bạn không thể ngoài cuộc.

Internet là 1 bước tiến vĩ đại của thế giới. Thế giới gần nhau hơn cũng nhờ Internet và bạn kinh doanh cũng nhờ đến Internet. Cùng sử dụng Internet và cùng phát triển.

Bạn xem Video Clip tại đây.

ĐỂ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

Khi bạn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới chỉ là bước đầu, duy trì và phát triển được doanh nghiệp còn khó khăn hơn rất nhiều. Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp phát triển?

1. Xây dựng quy trình: bạn cần có quy trình và vận hành doanh nghiệp theo quy trình đã xây dựng. Một quy trình với nhiều bước, khép kín và các nhân sự trong doanh nghiệp có thể thực hiện theo quy trình này. Bạn không được chủ quan hay cho rằng làm thế nào cũng được, miễn sao có kết quả. Một nhà thơ, có thể trong vài phút ngẫu hứng, lại có một bài thơ hay. Nhưng, một nhà doanh nghiệp, không làm việc theo quy trình, doanh nghiệp của chính bạn sẽ “rối” lên vì không ai biết phải làm gì, làm như thế nào.

2. Đào tạo con người: dù doanh nghiệp của bạn có máy móc và trang thiết bị hiện đại đến đâu thì con người cũng vẫn có vai trò quan trọng nhất. Và, làm việc, giao tiếp với con người là khó nhất. Có thể, bạn đã có nhân sự tốt sau tuyển dụng, nhưng công nghệ thay đổi, phát triển, doanh nghiệp của bạn cũng phải “chuyển mình”. Lúc này, bạn phải tiếp tục bồi dưỡng cho người cũ và đào tạo thêm người mới để vận hành doanh nghiệp.

3. Ứng dụng công nghệ: đó có thể là App để đặt hàng, bán hàng và thanh toán online. Đó cũng có thể là đầu tư thêm công nghệ mới để không những “trụ” được mà còn thành công trên thương trường. "Thời buổi công nghệ”, nếu bạn không tiến thì chắc chắn sẽ lùi.

4. Thanh toán, giao hàng nhanh: khách hàng của bạn, nếu đặt mua online, sẽ rất háo hức để có thể thấy và sử dụng ngay các sản phẩm, dịch vụ. Nhanh chóng chính là giải pháp để doanh nghiệp bạn tồn tại và phát triển.

5. Đầu tư cho thương hiệu: nếu bạn hài lòng với số lượng khách hàng đang có hoặc chủ quan, cho rằng không ai có thể cạnh tranh với doanh nghiệp của bạn, thì bạn sẽ thất bại.

Hàng ngàn doanh nghiệp dù là đã phát triển mạnh mẽ vẫn đang từng phút giây để quảng bá cho thương hiệu, cải tiển và đổi mới. Doanh nghiệp của bạn còn “non trẻ”, vậy tại sao là “giậm chân tại chỗ”?

6. Chăm sóc khách hàng: nếu đóng vai trò là người mua hàng, bạn cũng cần được chăm sóc, tư vấn, hậu mãi. Vậy, khi bạn có doanh nghiệp, bạn hãy đóng vai trò là khách hàng và doanh nghiệp của bạn cần có những chính sách chăm sóc khách hàng thật tốt, để không những giữ chân khách hàng mà còn có khách hàng mới.

Phát triển doanh nghiệp khó, nhưng không phải là không làm được, bạn nhé.

Hãy tiếp tục học hỏi và hành động để doanh nghiệp của bạn không chỉ ổn định mà còn phát triển.

Bạn xem Video Clip tại đây.

5 THỜI ĐIỂM QUYẾT ĐỊNH MUA HÀNG

Bạn cần phải biết hành trình mua hàng hay sử dụng dịch vụ. Sẽ có rất ít người mua ngay một sản phẩm hay sử dụng ngay một dịch vụ và chi tiền ngay lập tức. Bạn có thể dùng nhiều “chiêu”, quảng cáo, khuyến mãi, nhưng quyết định mua hàng được đưa ra cuối cùng là từ khách hàng.

1. Tôi muốn biết:

- Khách hàng chưa mua ngay lập tức sản phẩm hay dịch vụ mà cần muốn biết thêm thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

- Trong thời điểm này, việc bạn cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan là cần thiết.

- Với doanh nghiệp trẻ, sản phẩm mới hoặc dịch vụ mới, khách hàng còn phải cần thêm thời gian để cân nhắc.

2. Tôi muốn làm:

- Thời điểm này, khách hàng đã bắt đầu muốn hành động chứ không chỉ thu thập thông tin và…để đó.

- Khách hàng không muốn bị động, không muốn chỉ nghe thông tin hay được cung cấp thông tin một chiều.

3. Tôi muốn đi:

- Khách hàng muốn đến tại doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh hoặc cơ sở sản xuất của bạn để tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ.

- Phải chứng kiến, gặp gỡ để được tư vấn, họ mới yên âm và tiếp tục cân nhắc có nên sử dụng dịch vụ, sản phẩm hay không.

4. Tôi muốn mua: khi đã có thông tin, được tư vấn, được chứng kiến, khách hàng sẽ quyết định mua hay không. Nếu mua, họ sẽ chi tiền và…mang sản phẩm về nhà.

5. Tôi muốn chia sẻ: bạn tư vấn tốt; sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp tốt;…bạn sẽ được giới thiệu, chia sẻ thông tin cho những người tiếp theo.

Như vậy, từ một vài khách hàng, bạn có thể có hàng trăm khách hàng vì “tiếng lành đồn xa”.

Bạn cần hiểu hành trình mua hàng của khách để có chiến lược trong kinh doanh.

Bạn xem Video Clip tại đây.